Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Á-Âu lao dốc, đồng Euro giảm kỷ lục

Bảo Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nối tiếp đà sụt giảm trong phiên cuối cùng vào tuần trước, chứng khoán châu Á và châu Âu tiếp tục bị bán tháo mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần.

Thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu đồng loạt lao dốc trong ngày 7/3 khi nhà đầu tư đẩy mạnh bán cổ phiếu do lo ngại cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục leo thang.

Chứng khoán châu Á giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 7/3. Ảnh: AP
Chứng khoán châu Á giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 7/3. Ảnh: AP

Tại thị trường châu Âu, chỉ số EURO STOXX 50 giảm 3%, còn chỉ số FTSE sụt 2,7%.

Sắc đỏ cũng bao trùm thị trường cổ phiếu châu Á trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 3,4% - mức thấp nhất trong 15 tháng.

Tại các thị trường khác, chỉ số MSCI, không tính thị trường Nhật Bản, hạ 2,4%. Chỉ số CSI 300 tại thị trường Trung Quốc cũng mất 2,3%.

Hợp đồng tương lai của cổ phiếu Mỹ cũng giảm mạnh hôm 6/3, trong đó, chỉ số S&P 500 tương lai giảm 1,5%, còn Nasdaq mất 1,7%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1.

Trên thị trường tiền tệ, đồng Euro giảm kỷ lục so với đồng franc Thụy Sĩ. Ông Richard Franulovich, giám đốc chiến lược đầu tư của Westpac, nhận xét: “Cuộc xung đột Ukraine-Nga đang gây sức ép đối với đồng Euro”.

Trong khi đó, đồng USD duy trì đà tăng mạnh nhờ báo cáo việc làm khả quan trong tháng 2. Chỉ số USD Index, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giao dịch ở mức 99,134 điểm sau khi tăng 2,3% vào tuần trước.

Tình hình chiến sự leo thang ở Ukraine cộng việc giá dầu tăng vọt lên gần 130 USD/thùng khiến tâm lý của giới đầu tư bị đè nặng.

Trong phiên giao dịch sáng 7/3, giá dầu WTI và Brent đều tăng mạnh sau khi xuất hiện thông tin Mỹ và EU xem xét các biện pháp cấm vận dầu thô và khí tự nhiên từ Nga. Nếu lệnh được ban hành, nguồn cung dầu thô cho thế giới, đặc biệt là các nước khu vực châu Âu, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Giá dầu Brent tăng 9,95 USD, tương đương 18%, lên mức 128,06 USD/thùng ngay đầu phiên giao dịch ngày 7/3, còn giá dầu WTI của Mỹ cộng thêm 8,35 USD lên tới 124,03 USD/thùng.

Giá dầu thế giới đã tăng 21% kể từ khi Mỹ và các đồng minh trừng phạt Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2.

Nhà kinh tế Ethan Harris của ngân hàng BofA cho biết: “Nếu phương Tây áp lệnh cấm vận với ngành năng lượng Nga, điều này sẽ là một cú sốc lớn đối với thị trường toàn cầu. Ông Harris ước tính việc giảm 5 triệu thùng dầu từ Nga trên thị trường nhiên liệu toàn cầu có thể đẩy giá “vàng đen” tăng tới 100%, lên tới 200 USD/thùng và gây rủi ro cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo BofA, không chỉ mặt hàng dầu mỏ, giá nhiều loại hàng hóa trong tuần qua cũng chứng kiến mức tăng cao nhất kể từ năm 1915. Tính chung trong tuần, giá niken tăng 19%, nhôm cộng 15%, kẽm và đồng lần lượt tăng 12% và đồng 8%, trong khi giá lúa mì vọt 60% và mức tăng của giá ngô là 15%.