Tại thị trường chứng khoán châu Á, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 50,78 điểm, tương đương 0,25%, xuống 20.029,26 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 76,37 điểm, khoảng 0,28%, xuống 27.531,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 12,13 điểm, tương đương 0,37%, xuống 3.272,93 điểm.
Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc đóng cửa ở mức thấp nhất trong hơn 3 tuần qua, tính chung đã giảm 0,4% trong tuần.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông cũng điều chỉnh nhẹ khi nhà đầu tư thận trọng sau chuỗi tăng mạnh của 2 thị trường này trước đó.
Tại thị trường chứng khoán Mỹ, sau 2 phiên tăng điểm nhờ hiệu ứng từ Apple, cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone đã giảm trở lại, kéo theo nhóm cổ phiếu công nghệ cũng giảm.
Đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu này, cùng với nhóm cổ phiếu năng lượng sau khi giá dầu giảm trở lại đã khiến S&P 500 và Nasdaq quay đầu giảm điểm. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones vẫn duy trì được đà tăng nhẹ, nhưng vẫn đủ để chỉ số này tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới sau khi lần đầu tiên chinh phục được mốc 22.000 điểm trong phiên thứ 4.
Kết thúc phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones tăng 9,86 điểm, khoảng 0,04%, lên 22.026,10 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,41 điểm, tương đương 0,22%, xuống 2.472,16 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 22,30 điểm, khoảng 0,35%, xuống 6.340,34 điểm.
Đồng USD giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thị trường tiền tệ thế giới sau khi báo cáo ngành dịch vụ của Mỹ cho kết quả yếu hơn mong đợi. Số liệu không tích cực này khiến USD tiếp tục giảm mạnh hơn và chạm đáy 7 tuần so với yen Nhật vì thông tin một đại bồi thẩm đoàn sẽ điều tra vụ cáo buộc Nga tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Các nhà đầu tư sẽ chờ đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố vào ngày thứ Sáu. Cuộc thăm dò các nhà kinh tế học của Reuters cho dự báo việc làm Mỹ sẽ tăng thêm 183.000 trong tháng 7, giảm từ mức 222.000 của tháng 6.