Chứng khoán châu Á đi lên nhờ kỳ vọng vào đàm phán thương mại Mỹ - Trung mới
Các cổ phiếu châu Á tăng nhẹ trong phiên 20/2 sau khi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được nối lại tại Washington và giới đầu tư hiện đang chờ biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Chỉ số chứng khoán MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,2% ở đầu phiên giao dịch. Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng nhích 0,4%.
Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới tại Washington hôm 19/2. Vòng đám phán lần này là bước tiếp nối các cuộc đàm phán tại Bắc Kinh trong tuần trước sau khi hai bên không đạt được một thỏa thuận cụ thể nào mặc dù giới chức hai nước đều cho biết đã đạt bước tiến trong những vấn đề căng thẳng nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết, vòng đàm phán tuần này nhằm đạt được các thay đổi về cấu trúc cần thiết ở Trung Quốc, yếu tố ảnh hưởng tới thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai bên cũng sẽ thảo luận cam kết của Trung Quốc mua một lượng lớn hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.
Sau 2 ngày đàm phán ở cấp thấp hơn, các cuộc thảo luận cấp cao sẽ bắt đầu vào ngày 21/2. Trung Quốc đã xác nhận Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ có mặt tại Washington vào ngày 21 và 22/2 để đàm phán.
Nhà Trắng cho biết Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Cố vấn kinh tế Larry Kudlow và Cố vấn thương mại Peter Navarro cũng sẽ tham gia các cuộc thảo luận thương mại với Trung Quốc.
Ngày 19/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp và tuyên bố ông sẵn sàng kéo dài hạn chót “đình chiến” thương mại ngày 1/3.
Mỹ dự kiến sẽ tăng thuế quan bổ sung áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% từ 10% hiện nay nếu không có thuận nào đạt được giữa hai nước trước khi kết thúc ngày 1/3.
Các nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng Tổng thống Trump sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng tới để đạt được thỏa thuận giúp giải quyết tranh chấp thương mại song phương.
Nobuhiko Kuramochi - chiến lược gia trưởng tại Mizuho Securities, cho biết, Trung Quốc cũng sẽ đồng ý về việc Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn khí đốt và các sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, chuyên gia Kuramochi dự đoán Trung Quốc sẽ không ủng hộ cái gọi là vấn đề cơ cấu và nhiều khả năng hai nước có thể đồng ý thành lập một cơ quan để tiếp tục thảo luận về những vấn đề đó.
Cổ phiếu Walmart đẩy Phố Wall đi lên
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên ngày 19/2, khi giới đầu tư hào hứng với kết quả kinh doanh của hãng bán lẻ Walmart và đàm phán thương mại Mỹ-Trung bước vào vòng mới ở Washington .
Cả ba chỉ số chính đều chốt phiên trong trạng thái tăng, trong đó Nasdaq có 7 phiên tăng liên tục. Chỉ số S&P 500 nhích 0,15%, được hỗ trợ bởi kết quả lạc quan từ cổ phiếu Walmart, trong khi đó chỉ số Nasdaq tăng 0,19%, ghi nhận phiên tăng thứ 7 liên tiếp.
Sự hồi phục trên diện rộng đang diễn ra ở Phố Wall sau đợt bán tháo vào cuối năm ngoái. Tính đến thời điểm hiện tại, Nasdaq đã tăng khoảng 21% so với mức đáy thiết lập hôm 24/12, trong khi S&P 500 tăng hơn 18%. Số cổ phiếu đạt đỉnh 52 tuần hiện đang lớn hơn so với ở thời điểm các chỉ số lập kỷ lục vào tháng 8 và tháng 9 năm ngoái.
Tuy nhiên, các chỉ số không giữ được toàn bộ thành quả tăng cho tới khi chốt phiên, sau khi hãng tin Reuters đăng một bài viết dẫn lời Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh New York, ông John William, nói rằng sự thay đổi trong triển vọng kinh tế Mỹ sẽ đòi hỏi FED nối lại việc nâng lãi suất.
Chiến lược gia Tim Ghriskey thuộc Inverness Counsel nhấn mạnh: "Ông William có nói rằng FED sẽ tiếp tục bán ra tài sản trong một thời gian nữa. Có lẽ điều này gây một số lo ngại trên thị trường".
Nhóm cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu, dẫn đầu bởi Amazon, tạo lực đẩy nhiều nhất cho sự đi lên của hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq trong phiên này.
Trong khi đó, Walmart là cổ phiếu dẫn dắt phiên tăng của chỉ số Dow Jones.
Tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới công bố kết quả doanh thu khả quan hơn dự kiến trong quý IV/2018, nhờ đó cổ phiếu tăng 2,2%.
"Thống kê bán lẻ Mỹ công bố vào tuần trước gây lo ngại vì yếu hơn dự báo. Nhưng giờ thì Walmart nói họ bán tốt trong mùa Giáng sinh, và điều này giúp trấn an thị trường", báo cáo của Allianz Investment Management nhận định.
Bên cạnh đó, giới đầu tư hiện đang chờ biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ gần nhất của FED, dự kiến công bố ngày 20/2.
Theo dự báo, biên bản này tái khẳng định quan điểm của FED trong cuộc họp tháng 1 rằng ngân hàng trung ương này sẽ "kiên nhẫn" trong vấn đề tăng lãi suất do lo ngại kinh tế giảm tốc.
Chốt phiên, Dow Jones tăng 0,03%, đạt 25.891,32 điểm. S&P 500 tăng 0,15%, đạt 2.779,76 điểm. Nasdaq tăng 0,19%, đạt 7.468,77 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, chỉ có hai nhóm y tế và công nghiệp đóng cửa trong trạng thái giảm.