Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ bất ổn vì quan điểm “diều hâu” của FED

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên 19/8 do nhà đầu từ bất an trước lo ngại về những đợt tăng lãi suất mạnh tay của FED.

Thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên cuối tuần 19/8. Ảnh: AP
Thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên cuối tuần 19/8. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 sụt 1,29% xuống còn 4.228,48 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng hạ 292,30 điểm (tương đương 0,86%) về mức 33.706,74 điểm, còn Nasdaq Composite rớt 2,01% xuống 12.705,22 điểm.

Tính chung trong tuần, chỉ số S&P 500 giảm 1,21%, còn Dow Jones hạ 0,16%, và Nasdaq Composite sụt 2,62%.

Thị trường Phố Wall liên tục giằng co trong tuần này khi nhà đầu tư đón nhận thêm những thông tin mới về tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong kỳ họp tháng 9. Trong nhiều tuần gần đây, đặc biệt kể từ khi báo cáo lạm phát tại Mỹ tháng 7 được công bố, nhà đầu tư kỳ vọng rằng lạm phát có thể đã đạt đỉnh và FED sẽ tăng chậm lãi suất trong tương lai. 

Tuy nhiên, những phát biểu trong vài ngày trở lại đây từ một số quan chức FED, cùng với đó là biên bản cuộc họp tháng 7, tiếp tục củng cố khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới.

Trong ngày 17/8, Chủ tịch FED St.Louis James Bullard cho biết FED đang cân nhắc một đợt tăng lãi suất lớn khác vào tháng 9 tới, đồng thời lưu ý thêm rằng lạm phát có thể chưa qua mức đỉnh. Ông Bullard cũng thiên về phương án tăng lãi suất 0,75% trong kỳ họp vào tháng sau. 

Chiến lược gia David Roche - giám đốc công ty đánh giá Independent Strategy nhận định rằng các yếu tố hỗ trợ cho đà phục hồi của chứng khoán Mỹ từ giữa tháng 6 đến nay hiện đang giảm dần.

Cổ phiếu hãng bán lẻ Bed Bath & Beyond mất hơn 40% trong chỉ riêng trong phiên 19/8 sau khi nhà đầu tư lớn là Ryan Cohen thoái sạch vốn.

Trong khi đó, cổ phiếu Occidental Petroleum bật tăng gần 10% sau khi tập đoàn Berkshire Hathaway của huyền thoại đầu tư Warren Buffett được cơ quan quản lý cho phép nâng tỷ lệ sở hữu tại Occidental lên 50%. Berkshire đã liên tục mua thêm cổ phiếu Occidental trong những quý gần đây và hiện đã kiểm soát khoảng 20%.

Quan ngại về một đợt tăng mạnh lãi suất khác của FED cũng được cảm nhận trên nhiều thị trường khác. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm lên 2,987%. Lợi suất trái phiếu tăng khi giá trái phiếu giảm. 

Mặc dù đà leo dốc của các chỉ số chính chững lại trong tuần này, một số nhà đầu tư vẫn kỳ vọng thị trường Phố Wall sẽ sớm phục hồi.

Ông Mike Bailey, Giám đốc nghiên cứu tại FBB Capital Partners, đánh giá: “Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ không quay đầu hoàn toàn và trở về mức đáy của tháng 6. Tôi cho rằng việc thị trường đi ngang hoặc tạm ngừng đà đà leo dốc mạnh như thời điểm hiện nay sau khi trải qua thị trường gấu là rất hợp lý”.

Trong tuần tới, lãnh đạo FED tại các địa phương sẽ nhóm họp tại thành phố Jackson Hole, bang Wyoming trong khuôn khổ hội thảo chính sách kinh tế hàng năm được tổ chức bởi FED tại Kansas. Các phát biểu của những quan chức tại đây sẽ cung cấp cho nhà đầu tư cái nhìn rõ hơn về quan điểm chính sách tiền tệ trong thời gian tới của Ngân hàng trung ương Mỹ.