Chứng khoán Mỹ bỏ qua cảnh báo của Fed, Dow Jones tăng hơn 100 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ phục hồi trong phiên ngày 4/1 khi nhà đầu tư phớt lờ quan điểm cứng rắn của Fed về khả năng nâng lãi suất trong năm 2023.

Chỉ số Dow Jones tăng hơn 100 điểm khi đóng cửa phiên ngày 4/1. Ảnh: CNBC
Chỉ số Dow Jones tăng hơn 100 điểm khi đóng cửa phiên ngày 4/1. Ảnh: CNBC

Cả ba chỉ số chứng khoán chính đều ghi nhận phiên tăng đầu tiên sau hai phiên giảm liên tục. 

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones tăng 133 điểm (tương đương 0,4%) lên mức 33.269,77 điểm, chỉ số S&P 500 cộng 0,75% lên mức 3.825,97 điểm và chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,69% lên 10.458,76 điểm.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đi xuống, bất chấp quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về khả năng tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2023 sau cuộc họp tháng 12/2022.

Sáng 4/1, Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố Báo cáo Cơ hội việc làm (JOLT) tháng 11 tích cực hơn dự báo, cho thấy thị trường lao động vẫn vững mạnh trong bối cảnh Fed đã nâng lãi suất 7 lần liên tiếp thêm 4,25 điểm phần trăm để kiềm chế lạm phát năm 2022.

Tuy nhiên, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) công bố cho thấy hoạt động sản xuất tháng 12 suy giảm lần thứ hai sau 30 tháng mở rộng liên tiếp. Nhà đầu tư xem chỉ số này là một dấu hiệu tích cực rằng những đợt tăng lãi suất của Fed đã bắt đầu phát huy tác dụng đưa nền kinh tế “hạ nhiệt”.

Trong biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tháng 12, Fed vẫn cam kết đưa lãi suất lên mức cao hơn “trong một thời gian nữa”. Biên bản cho thấy các cuộc thảo luận nội bộ của Fed đang bước vào một giai đoạn mới, trong đó, rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế và việc làm được đặt trọng tâm hơn, nhưng kiềm chế lạm phát cao vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Tại cuộc họp tháng trước, các quan chức Fed nhất trí nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, đồng thời nêu rõ tầm quan trọng của duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong cuộc chiến chống lạm phát.

“Chúng tôi nhận thấy cần duy trì lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến khi có thêm dữ liệu cho thấy lạm phát đang trên đường giảm xuống mức 2%” - theo biên bản cuộc họp. 

Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư của Bleakley Financial Group, nhận xét: “Fed đang nỗ lực thực hiện nhiều việc cùng lúc. Họ muốn giảm nhịp độ tăng lãi suất nhưng không muốn thị trường ăn mừng quá sớm vì sẽ dẫn tới điều kiện tài chính nới lỏng. Fed muốn thắt chặt, muốn kiểm soát lạm phát, nhưng lại không muốn gây ra suy thoái”.

Ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại B. Riley Financial, đánh giá: “Nhà đầu tư đang giữ tâm lý thận trọng sau khi chứng kiến một năm giao dịch tệ hại trên thị trường chứng khoán”.

Trong phiên ngày thứ Năm, nhà đầu tư sẽ chờ đón thêm dữ liệu việc làm, thâm hụt thương mại, hoạt động kinh doanh, đồng thời quan điểm và bình luận mới về chính sách tiền tệ của một số quan chức Fed.

Trong ngày thứ Sáu, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là báo cáo việc làm tổng thể tháng 12 do Bộ Lao động Mỹ công bố, trong đó có những dữ liệu quan trọng là tỷ lệ thất nghiệp và tiền lương bình quân theo giờ. Đây là báo cáo có ảnh hưởng lớn đến các động thái chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed, nên có khả năng sẽ gây biến động thị trường. Điều mà nhà đầu tư mong muốn không có ở báo cáo này là tốc độ tăng trưởng tiền lương cao.

Theo dữ liệu của CME Group, thị trường đang dự báo lãi suất quỹ liên bang sẽ tăng lên mức 4,75% -5% vào giữa năm 2023 và duy trì ở mức đó suốt cả năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần