Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 19/9, chỉ số Dow Jones tăng 197,26 điểm (tương đương 0,64%) lên mức 31.019,68 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 0,69% lên 3.899,89 điểm, còn Nasdaq Composite nhích 0,76% lên mức 11.35,02 điểm.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall liên tục trồi sụt trong suốt phiên giao dịch, với chỉ số Dow Jones mất tới 263 điểm vào đầu phiên. Tại mức đáy trong phiên, S&P 500 và Nasdaq Composite cũng sụt hơn 0.9%.
Trong 11 nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 chỉ có hai nhóm mất điểm. Cổ phiếu y tế tụt dốc sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố đại dịch Covid-19 tại Mỹ đã chấm dứt.
Tuần trước, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite chứng kiến tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 6/2022 sau khi một số doanh nghiệp lớn cảnh báo về triển vọng kinh doanh cũng như kinh tế Mỹ kém khả quan thời gian tới, trong đó có FedEx và General Electric.
Bước sang tuần mới, giới đầu tư đổ dồn sự quan tâm đến kết quả cuộc họp chính sách quan trọng của một số ngân hàng trung ương. FED được dự báo sẽ tiếp tục công bố mức tăng lãi suất mới vào ngày 21/9, trong khi Ngân hàng trung ương Anh cũng sẽ công bố lộ trình chính sách tiền tệ mới chỉ một ngày sau đó.
Trong tuần này, ngoài cuộc họp chính sách quan trọng của FED, thị trường Phố Wall cũng đón nhận số liệu nhà ở tháng 8 được công bố vào ngày 20/9 và báo cáo việc làm dự kiến được công bố trong ngày 22/9.
Phát biểu trên đài CNBC, ông Adam Sarhan, Giám đốc điều hành công ty quản lý đầu tư 50 Park Investments, nhận định: “Nhà đầu tư duy trì tâm lý chờ đợi và đánh giá các chất xúc tác tích cực hoặc tiêu cực để đưa giá cổ phiếu ra khỏi khoảng giao dịch bế tắc hiện nay. Thị trường đang nỗ lực tìm phương hướng và đó chính là thông tin cơ bản nhất”.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra trái phiếu chính phủ trước cuộc họp của FED, đẩy lợi suất trái phiếu lên ngưỡng cao nhất nhiều năm. Theo đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên xấp xỉ 3,5%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, vốn nhạy cảm đối với kỳ vọng lãi suất ngắn hạn, vọt lên ngưỡng 2,946%, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Các quan chức của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của FED sẽ họp từ ngày 20-21/9 và nhiều khả năng sẽ có đợt nâng lãi suất thêm 0,75% như đã làm trong cuộc họp tháng 6 và tháng 7.
Trên thị trường lãi suất tương lai, xác suất FED tăng lãi suất 0,75% duy trì ở ngưỡng 82% trong khi đó, xác suất ngân hàng trung ương Mỹ mạnh tay hơn với mức tăng 1% đạt mức 18%. Tuy nhiên, khả năng FED tăng lãi suất 0,5% hoàn toàn bị loại bỏ.
Chuyên gia Scott Minerd - Giám đốc đầu tư toàn cầu của Guggenheim Partners, cho rằng động thái quyết liệt của FED trong cuộc chiến chống lạm phát sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Mỹ và tạo nhiều sức ép đối với các tài sản rủi ro như cổ phiếu.
Ông Minerd dự báo FED sẽ thực hiện chính sách “diều hâu” hơn khi tăng lãi suất 0,75% trong cuộc họp tuần này và thực hiện mức tăng 0,5% trong 2 kỳ họp chính sách tiếp theo.
Chuyên gia phân tích thị trường Ed Moya của Oanda đánh giá rằng trong thời gian sắp tới, thị trường Phố Wall khó tránh khỏi kịch bản giảm sâu như đã từng chứng kiến vào tháng 6 vừa qua trong bối cảnh ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục quyết liệt trong cuộc chiến để kiềm chế lạm phát. “Tâm lý bi quan trên thị trường chứng khoán vẫn đang đeo bám nhà đầu tư khi nền kinh tế Mỹ đang có nguy cơ suy thoái do FED sẵn sàng mạnh tay trong chính sách tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát” - chuyên gia Ed Moya nói.