Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ: Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall phục hồi mạnh

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong ngày 12/8 khi nhà đầu tiếp tục tư đón nhận tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế, trong đó S&P 500 và Nasdaq cùng tuần khởi sắc thứ 4 liên tiếp.

Chứng khoán Mỹ: Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall phục hồi mạnh - Ảnh 1Chỉ số Dow Jones leo dốc hơn 400 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/8. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones leo dốc 424,38 điểm (tương đương 1,27%) lên mức 33.761,05 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 1,73%, đạt 4.280,15 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite nhích 2,09% lên 13.047,19 điểm.

Tính chung trong tuần, S&P 500 nhảy vọt 3,26%, ghi nhận chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tháng 11/2021. Chỉ số Dow Jones tăng 2,92% kể từ đầu tuần đến phiên ngày thứ Sáu. Chỉ số Nasdaq Composite cũng leo dốc 3,08% và chứng kiến tuần tăng thứ 4 liên tiếp.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu các ngành tiêu dùng không thiết yếu, công nghệ và dịch vụ viễn thông là những nhóm tăng mạnh nhất chỉ số S&P 500.

Cả 3 chỉ số chính trên sàn Phố Wall đều phục hồi mạnh trong tuần qua khi tâm lý nhà đầu tư được cải thiện nhờ một loạt các dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát đã qua mức đỉnh. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng chậm hơn so tháng trước đó do giá xăng liên tục giảm trong hơn một tháng vừa qua. Chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng bất ngờ sụt giảm trong tháng 7.

Những dữ liệu kinh tế khả quan liên tiếp xuất hiện giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư, củng cố nhận định rằng diễn biến tích cực trên thị trường gần đây không đơn thuần chỉ là một giai đoạn tăng điểm ngắn hạn trong giai đoạn “thị trường gấu” - thị trường đầu cơ giá xuống.

Trong phiên giao dịch này, chỉ số S&P 500 đã duy trì mức hơn 4.231 điểm trong 2 phiên liên tiếp và hiện đã phục hồi được hơn 50% so với mức đáy trong năm nay.

Chuyên gia Jonathan Krinsky của BTIG nhận định: “Diễn biến trên thị trường cùng với tâm lý phấn khích của giới đầu tư cho thấy nhiều khả năng các chỉ số của chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục tăng điểm trong những phiên sắp tới”.

Cũng có đánh giá lạc quan tương tự, ông Michael Darda – nhà kinh tế trưởng kiêm chiến lược gia thị trường tại MKM Partner, cho biết:  “Chúng tôi không khẳng định thị trường Phố Wall sẽ sớm thiết lập đỉnh mới trong năm nay, nhưng cũng sẽ không ngạc nhiên nếu thị trường có thể làm được điều đó trong bối cảnh lạm phát giảm và Cục Dự trữ Mỹ giảm tốc độ tăng lãi suất”.

Diễn biến khởi sắc trong tuần qua giúp nối dài đà hồi phục của chứng khoán Mỹ từ giữa tháng 6. Hiện chỉ số S&P 500 đã tăng 16,7%, chỉ số Dow Jones cộng gần 13% và Nasdaq vọt 22,6%, thoát khỏi “thị trường gấu”.

Trong suốt mùa hè, giới phân tích ở Phố Wall đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ lợi nhuận doanh nghiệp suy yếu. Tuy nhiên, số liệu trên thực tế cho thấy kết quả kinh doanh quý II vẫn duy trì ở mức tốt, và các dữ liệu kinh tế quan trọng mới được công bố đã xoa dịu những nỗi lo về khả năng suy thoái.

Chuyên gia đầu tư John Stoltzfus tại công ty quản lý tài sản Oppenheimer cho rằng lợi nhuận doanh nghiệp trong các quý tới có thể lạc quan một cách bất ngờ. “Dựa vào những số liệu kinh tế mới nhất như việc làm, đặc biệt là CPI và PPI, tình hình có thể sẽ rất tích cực cho kết quả lợi nhuận các công ty. Các yếu tố cơ bản đang tốt lên mặc dù phải đối mặt nhiều thách thức” - ông Stoltzfus chia sẻ trên kênh CNBC.

Tâm lý của người tiêu dùng cũng được cải thiện thời gian qua. Theo thống kê sơ bộ của Đại học Michigan, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng từ 51,5 điểm trong tháng 7 lên 55,1 điểm trong nửa đầu tháng 8. Chỉ số tiêu dùng sơ bộ trong tháng 8 của Đại học Michigan hiện ở mức 55,1 điểm,  cao hơn so với mức dự báo 52,5 điểm  từ Dow Jones.

Trong khi đó, lạm phát trong năm nay được dự báo giảm từ 5,2% xuống 5%, mặc dù số liệu lạm phát trong 5 năm tăng nhẹ từ 2,9% lên 3%.

Khảo sát của Đại học Michigan gần đây rất được quan tâm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell coi số liệu kỳ vọng lạm phát trong cuộc khảo sát này là lý do để FED mạnh tay tăng lãi suất.

Khi dự báo lạm phát hạ nhiệt, lạm phát thực tế nhiều khả năng cũng đi xuống và ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ.