Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ: Chỉ số Nasdaq chốt tháng 10 giảm mạnh nhất gần 10 năm

Nguyễn Thu (Theo Reuters, AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tháng 10, chỉ số S&P 500 mất 6,9% trong khi Nasdaq sụt 9,2%, ghi nhận tháng lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 11/2008.

Trong ngày 31/10, chứng khoán Mỹ phục hồi phiên thứ 2 liên tiếp 2 phiên nhờ giới đầu tư đẩy mạnh mua lại những cổ phiếu công nghệ và internet yêu thích đang bị sụt giá, cùng với các báo cáo lợi nhuận tích cực đã nâng cao tinh thần nhà đầu tư, ngay cả khi S&P 500 khép lại tháng tồi tệ nhất trong 7 năm qua.
Tính chung trong tháng 10, chỉ số S&P 500 sụt 6,9%, còn Nasdaq Composite lao dốc 9,2%, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2008.
Mối lo ngại về sự gia tăng chi phí đi vay, căng thẳng thương mại toàn cầu và khả năng lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm đã làm chao đảo thị trường chứng khoán trong tháng này, trong đó các cổ phiếu công nghệ và internet chịu ảnh hưởng mạnh nhất.
Trong phiên giao dịch ngày 31/10, cổ phiếu Facebook nhảy vọt 3,8% sau khi tập đoàn khổng lồ cho biết biên lợi nhuận có thể sẽ ngừng sụt giảm sau năm 2019 khi chi phí từ các vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng lắng dịu.
Chỉ số dịch vụ truyền thông thuộc S&P 500, vốn cũng bao gồm Alphabet và Netflix, tăng 2,1%. Chỉ số công nghệ thuộc S&P 500 cộng 2,4% trong phiên giao dịch này.
Cổ phiếu Amazon.com và Apple cũng lần lượt tăng 4,4% và 2.6%.
Lĩnh vực tài chính thuộc S&P 500 nhích 1,4% và chỉ số các ngân hàng khu vực S&P 500 tăng 1,9%, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đề xuất nới lỏng quy định đối với các ngân hàng Mỹ có tải sản dưới 700 tỷ USD.
Tính chung trong tháng 10, chỉ số S&P 500 sụt 6,9%, còn Nasdaq Composite lao dốc 9,2%, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2008. Dow Jones giảm 5,1% trong tháng qua.
Ông Peter Tuz - Chủ tịch Chase Investment Counsel, nhận định: "Mọi người cảm thấy nhẹ nhõm vì tháng 10 đã kết thúc. Tất cả những nỗi lo ngại xuất hiện trong tuần trước hiện tại đã tạm lắng xuống. Tôi không biết liệu những nỗi sợ hãi đó có quay trở lại không. Chỉ cần một vài báo cáo tài chính trong vài ngày tới cũng có thể khiến tình hình thay đổi nhiều".
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên thị trường chứng khoán Mỹ, khép phiên tại mức thấp nhất kể từ ngày 23/10.
Với phần lớn báo cáo lợi nhuận mạnh hơn dự báo đã thúc đẩy dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý 3 của các công ty thuộc S&P 500 lên 26.3%, dữ liệu từ Refinitiv cho thấy.
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones tăng 241,12 điểm (tương đương 0,97%) lên 25.115.76 điểm, chỉ số S&P 500 nhích 29,11 điểm (tương đương 1,09%) lên 2.711.74 điểm và chỉ số Nasdaq Composite vọt 144,25 điểm (tương đương 2,01%) lên 7.305.90 điểm.
Cùng với đà phục hồi trên Phố Wall, các thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt tăng điểm. Chỉ số FTSE 100 trên thị trường London (Vương quốc Anh) tăng 1,3% lên 7.128,10 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) cũng cộng thêm 1,4% lên 11.447,51 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 1,6% và khép phiên ở mức 3.197,51 điểm. Đáng chú ý trong phiên này là tại thị trường Paris (Pháp), chỉ số CAC 40 tăng 2,3% lên 5.093,44 điểm.