Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ: Cổ phiếu bị bán tháo, S&P 500 rơi vào “thị trường gấu”

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần do các nhà đầu tư đặt cược vào việc FED mạnh tay hơn trong chính sách lãi suất để phòng chống lạm phát.

Chứng khoán Mỹ: Cổ phiếu bị bán tháo, S&P 500 rơi vào “thị trường gấu” - Ảnh 1

Chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến đợt bán tháo phiên ngày 13/6 trong  bối cảnh giới đầu tư gia tăng quan ngại về rủi ro suy thoái trước cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào hai ngày 14-15/6 tới. 

Chỉ số S&P 500 giảm mạnh trong phiên này, thiết lập vùng đáy mới trong năm 2022 và chính thức rơi vào “thị trường gấu” - thị trường đầu cơ giá xuống. 

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 giảm 3,88%, về còn 3.749,63 điểm. Đây là mức chốt thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2021, đồng thời nâng mức giảm của chỉ số so với mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 1 lên hơn 21%. Thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ chính thức chìm vào “thị trường gấu” (được định nghĩa là giảm từ 20% trở lên so với đỉnh) sau khi gần chạm mức này cách đây 3 tuần. Lần gần đây nhất S&P 500 rơi vào “thị trường gấu” là tháng 3/2020, khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu.

Chỉ số Dow Jones lao dốc 876,05 điểm, tương đương giảm 2,79%, về mức 30.516,74 điểm. Đến nay, Dow Jones đã giảm 17% so với mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Nasdaq Composite cũng sụt 4,68%, còn 10.809,23 điểm, nâng tổng mức giảm so với kỷ lục lên hơn 33%.

Cả ba chỉ số cùng chạm mức đáy của phiên trong 30 phút giao dịch cuối cùng, sau khi tờ Wall Street Journal nói rằng FED có thể cân nhắc nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp vào ngày 15/6. Trước đó, thị trường vẫn kỳ vọng FED sẽ tăng 0,5 điểm phần trăm tại  cuộc họp chính sách tháng 6.

Nhà đầu tư dường như không tìm thấy “kênh trú ẩn” nào trong phiên này, khi đợt bán tháo cũng xảy ra trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.

Có thời điểm trong phiên, tất cả các mã cổ phiếu trong nhóm S&P 500 đều giảm điểm. Chốt phiên, chỉ có 5 cổ phiếu trong nhóm này lấy lại sắc xanh. 

Sau khi thông tin lạm phát cao nhất hơn 40 năm được công bố hôm thứ Sáu tuần trước, nhà đầu tư quan ngại FED sẽ đẩy mạnh siết chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới, với cấp độ lớn hơn dự báo. 

Nhà sáng lập Jack Ablin của Cresset Capital nhận định: “Không có bất cứ một thông tin tích cực nào giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư trên thị trường”.

Cổ phiếu hãng máy bay Boeing, công ty phần mềm Salesforce và hãng thẻ American Express lần lượt mất 8,7%, 6,9% và 5,2%, gây áp lực giảm lớn lên Dow Jones. Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng giảm điểm mạnh với Netflix, Tesla và Nvidia đều giảm hơn 7%. 

Cổ phiếu du lịch - lữ hành không nằm ngoài “cơn lũ” bán tháo. Carnival Corporation và Norwegian Cruise Line giảm tương ứng 10% và 12%. Delta Air Lines “bốc hơi” hơn 8%, trong khi United Airlines sụt 10%.

Tất cả các lĩnh vực thuộc nhóm S&P 500 đều đi xuống, dẫn đầu bởi các cổ phiếu năng lượng, với mức giảm hơn 5%. Hàng hóa tiêu dùng tiện nghi, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và tiện ích giảm hơn 4%. 

“Diễn biến thị trường trong phiên hôm nay cho thấy nhiều nhà đầu tư có thể đang bán tháo cổ phiếu nhằm cắt lỗ hoặc tái định vị lại danh mục đầu tư của mình. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy thị trường đang ở vào giai đoạn bán tháo đỉnh điểm” - Giám đốc đầu tư Jeff Kilburg của Sanctuary Wealth nhận định.

Tuần trước, chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần giảm mạnh nhất từ cuối tháng 1, khi giới đầu tư lo rằng lạm phát tăng kỷ lục sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10/6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981 và tăng vượt dự báo.

Giới phân tích nói rằng theo kinh nghiệm lịch sử, đợt bán tháo này của sàn Phố Wall có thể tiếp diễn. Dữ liệu từ Bespoke Investment Group cho thấy từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay, S&P 500 đã có 14 lần rơi vào trạng thái “thị trường gấu”, với mức giảm bình quân 30% mỗi lần và thời gian kéo dài bình quân là 359 ngày.

Theo chuyên gia Keith Lerner của Truist, ở thời điểm này, nhà đầu tư nên phòng thủ bằng cách nắm giữ những cổ phiếu thuộc các nhóm tiêu dùng thiết yếu, y tế hoặc vàng.

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng lao dốc trong phiên ngày thứ Hai do nhà đầu tư đặt cược vào việc FED đẩy mạnh tăng lãi suất để phòng chống lạm phát.

Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đóng cửa phiên giảm 2,4%, trong đó giảm mạnh nhất  là cổ phiếu ngành du lịch và giải trí khi mất khoảng 5,3%.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cảm thấy bất an hơn sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu hồi tuần trước xác nhận rằng họ dự định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách trong tháng 7 tới và dự kiến sẽ có một đợt tăng nữa vào tháng 9. Ngân hàng trung ương cũng dự báo mức lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục leo thang trong khi hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này.