Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ dẫn đầu thế giới nhờ minh bạch thông tin

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại thị trường chứng khoán Mỹ, minh bạch thông tin được kiểm soát rất hiệu quả nhờ việc ban hành quy định chặt chẽ, các biện pháp giám sát mạnh mẽ, đặc biệt là các chế tài xử phạt nghiêm khắc.

Mạnh tay xử lý thao túng giá cổ phiếu và “giao dịch nội bộ”

Luật của Mỹ quy định hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi gian lận chứng khoán. Những cá nhân, tổ chức thao túng giá cổ phiếu hay “giao dịch nội bộ” khi bị phát hiện đều bị xử lý bằng các biện pháp như phạt tiền cực nặng, “đóng băng” tài sản, thậm chí cả ngồi tù.

Theo quy định của Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC), "giao dịch nội bộ" được định nghĩa là việc mua bán cổ phiếu của những pháp nhân có liên quan đến các thông tin nội bộ của DN niêm yết như hội đồng quản trị, ban giám đốc, người nội bộ, người thân hay bạn bè của những cá nhân trên.

Tất cả giao dịch dựa trên thông tin về hoạt động của DN đó mà chưa được công bố đại chúng, sẽ bị quy vào việc vi phạm "giao dịch nội bộ".

Theo luật pháp Mỹ, các cá nhân và tổ chức có hành vi "giao dịch nội bộ" có thể chịu mức án lên tới 20 năm tù giam và phạt tiền 25 triệu USD. Cụ thể, cá nhân sẽ bị phạt 5 triệu USD trong khi tổ chức chịu mức phạt tối đa là 25 triệu USD. Theo đánh giá của các chuyên gia, khoản tiền phạt khổng lồ và mức án tù có thể lên tới hàng chục năm sẽ khiến nhà đầu tư chùn bước khi muốn thực hiện “giao dịch nội bộ”.

Nasdaq được các nhà đầu tư ưa chuộng. Ảnh: AP
Nasdaq được các nhà đầu tư ưa chuộng. Ảnh: AP

Ngoài ra, các công ty chứng khoán, công ty tài chính có thể bị thu hồi giấy phép hoạt động, hay nghiêm trọng hơn là bị cấm hoạt động trong ngành tài chính/chứng khoán suốt đời.

Vào năm 2018, SEC đã phạt nặng tỷ phú Elon Musk - ông chủ hãng xe điện Tesla, và yêu cầu từ bỏ vị trí Chủ tịch Tesla do ông này đăng tải lên Twitter nội dung ngụ ý mua lại toàn bộ cổ phiếu và biến Tesla thành một công ty tư nhân với giá 420 USD/cổ phiếu. SEC cáo buộc động thái của tỷ phú Musk là đưa ra tuyên bố “sai sự thật và gây hiểu lầm”. Ngoài bị phạt 20 triệu USD, tỷ phú Musk còn bị buộc từ chức Chủ tịch Tesla và không được đảm nhận vị trí này trong 3 năm, dù vẫn giữ vị trí tổng giám đốc điều hành.

Đến năm 2020, JPMorgan Chase - ngân hàng lớn nhất Mỹ về giá trị tài sản, thừa nhận sai phạm và đồng ý nộp phạt kỷ lục hơn 920 triệu USD đối với các cáo buộc về hành vi thao túng thị trường tại 2 trong số các bàn giao dịch của nhà băng này.

Theo cáo trạng của tòa án, trong vòng 8 năm, 15 nhà giao dịch của Ngân hàng JPMorgan Chase đã gây thua lỗ hơn 300 triệu USD cho các nhà đầu tư kim loại quý và trái phiếu kho bạc Mỹ. Trong đó, các hợp đồng trái phiếu kho bạc Mỹ bị thao túng giá đã gây thiệt hại 106 triệu USD cho nhà đầu tư. 5 nhà giao dịch JPMorgan Chase đã tiến hành hàng ngàn giao dịch gian lận trước khi bị phát giác. Hoạt động thao túng giá vàng và giá bạc giao sau tại nhà băng này diễn ra từ năm 2008 - 2016, gây thiệt hại 106 triệu USD.

Theo kết luận của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), JPMorgan Chase đã thao túng giá trái phiếu và kim loại quý bằng cách đặt lệnh mua hoặc bán giả để “thổi” hoặc “dìm” giá tài sản. Trong những năm gần đây, giới chức Mỹ đặc biệt quan tâm đến chiêu trò thao túng thị trường này và sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu tinh vi để phát hiện những sai phạm mà trước đây họ thường không nhận diện được.

Sử dụng AI để phát hiện gian lận chứng khoán

Nasdaq - sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới - hiện đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát khoảng 17,5 triệu giao dịch mỗi ngày. Theo đó, Nasdaq tự quản lý, triển khai các hoạt động giám sát để duy trì tính minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán bằng công cụ SMARTS.

Martina Rejsjo - người đứng đầu bộ phận giám sát thị trường chứng khoán khu vực Bắc Mỹ của Nasdaq - cho biết, hệ thống cảnh báo trước đây thường đưa ra khoảng 1.000 cảnh báo mỗi ngày, song chỉ một phần rất nhỏ trong số những trường hợp này sau đó được xác nhận là gian lận và bị phạt nặng.

Với công cụ SMARTS, Nasdaq có thể thu hẹp hàng ngàn cảnh báo hằng ngày xuống một số lượng tối thiểu để phân tích và xử lý. Vì AI có thể học hỏi từ các kết quả và phát hiện gian lận tốt hơn trong quá trình làm việc nên nó sẽ tiết kiệm thời gian. Để dạy cho cỗ máy AI, Nasdaq đang cung cấp cho nó các cảnh báo và những đoạn chat từ các vụ thao túng và thông đồng đã biết, cùng với các giao dịch được thực hiện vào thời điểm đó.

Phần mềm AI sẽ tự động sàng lọc tất cả các chỉ số về mối đe dọa trước khi con người xem xét chúng. Phần mềm sử dụng AI có thể tự gửi các tin nhắn thăm dò trong các phòng chat, từ đó tìm ra những người giao dịch có dấu hiệu khả nghi hoặc giao dịch nội gián, làm giá chứng khoán. Bên cạnh đó, hệ thống SMARTS cũng giúp Nasdaq giám sát dữ liệu thị trường, giá cả, chênh lệch và toàn bộ các lệnh giao dịch.

Lãnh đạo Nasdaq khẳng định việc ngăn chặn hoạt động gian lận là một phần quan trọng để duy trì niềm tin của khách hành đối với hệ thống tài chính.

Theo ông Martina Rejsjo, tính minh bạch thông tin là một trong những điều quan trọng nhất đối với bất kỳ sàn giao dịch chứng khoán nào.
Bannert - Thurner, Phó Chủ tịch cấp cao và là người đứng đầu về rủi ro và giám sát tại Nasdaq - cho biết, Nasdaq phải chứng minh rằng họ đang làm tốt công việc giám sát giao dịch nội gián và thao túng thị trường, nếu không, các công ty sẽ không sử dụng sàn giao dịch này. Toàn bộ sự tồn tại của chúng tôi dựa trên việc có cơ chế phát hiện tốt nhất có thể”.

Trong nỗ lực tăng cường hiệu quả giám sát trên thị trường chứng khoán, Nasdaq gần đây tuyên bố tiếp tục đầu tư lớn vào công nghệ AI để bảo vệ và ngăn chặn tội phạm tài chính. Giám đốc điều hành Nasdaq Adena Friedman hôm 10/1 vừa qua thông báo, sàn này đã mua phần lớn cổ phần Công ty AI Quantexa có trụ sở tại London (Anh).

Công nghệ của Quantexa sử dụng AI để phân tích lượng lớn dữ liệu nhằm xác định các hoạt động gian lận tài chính. Phần mềm của Quantexa đã được các tổ chức tài chính trên khắp thế giới sử dụng để phát hiện hành vi gian lận, rửa tiền và các tội phạm tài chính khác.

Theo Giám đốc điều hành (CEO) Nasdaq Adena Friedman, việc mua lại Quantexa là một "khoản đầu tư chiến lược" sẽ giúp công ty "đi đầu trong cuộc chiến chống tội phạm tài chính". CEO Friedman cho biết: “Tội phạm tài chính là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tính minh bạch của thị trường chứng khoán Mỹ. Chúng tôi tin rằng AI là một công cụ mạnh mẽ có thể giúp chúng tôi xác định và ngăn chặn loại tội phạm này”.

Việc mua lại Quantexa là động thái mới nhất trong nỗ lực đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ AI của Nasdaq. Vào năm 2022, sàn giao dịch lớn nhất thế giới đã ra mắt một trung tâm nghiên cứu AI mới và công bố hợp tác với Google Cloud để phát triển các ứng dụng giao dịch dựa trên AI.