Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 26/6, chỉ số Nasdaq Composite lùi 1,16% xuống 13.335,78 điểm, còn chỉ số S&P 500 mất 0,45% về mức 4.328,82 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng hạ 12,72 điểm (tương đương 0,04%) xuống còn 33.714,71 điểm.
Ngoài vấn đề chính trị tại Nga, trong phiên này, đà sụt giảm của cổ phiếu công nghệ đã khiến thị trường chịu áp lực lớn nhất, với Nvidia, Alphabet và Meta Platform đều rớt hơn 3%. Cùng với đó, cổ phiếu Tesla sụt 6%, sau khi Goldman Sachs hạ bậc tín nhiệm đối với hãng sản xuất ô tô điện, với lý do những rào cản về giá cả.
Chuyên gia Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance nhận định với Reuters: "Các nhà đầu tư đang vật lộn với những sự kiện địa chính trị xảy ra tại Nga vào cuối tuần qua. Bên cạnh đó, thị trường thận trọng trước quan điểm cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)”.
Tuần trước, các chỉ số chính dường như mất động lực sau đợt tăng mạnh gần đây, với Nasdaq Composite đứt mạch 8 tuần tăng liên tiếp sau khi Chủ tịch Fed phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay để chống lạm phát.
“Trong phiên ngày thứ Hai, các nhà giao dịch trên sàn Phố Wall cảm thấy khó xác định nên mua vào hay nên bán ra vì chưa rõ thị trường sẽ diễn biến như thế nào,” Giám đốc đầu tư Carl Schleif của BMO nói với hãng tin Reuters.
Sự lưỡng lự này diễn ra giữa lúc thị trường chờ đợi một chất xúc tác mới và bước vào tuần giao dịch cuối cùng của quý II. Chỉ còn ít tuần nữa là Phố Wall lại bắt đầu một mùa báo cáo tài chính mới.
Theo chuyên gia Schleif, đây là thời điểm mà nhiều nhà đầu tư có thể chốt lời đối với những cổ phiếu tăng trưởng đã tăng giá mạnh từ đầu năm đến nay.
Cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đã phục hồi mạnh mẽ trong năm nay, sau một năm 2022 đầy khó khăn.
Các nhà đầu tư đang đặt cược vào triển vọng của trí tuệ nhân tạo (AI) và khả năng Fed chấm dứt chiến dịch thắt chặt tiền tệ. Sự trở lại của những cổ phiếu tăng trưởng phổ biến đã giúp Nasdaq Composite nhảy vọt tới 27,4% - kết quả tốt nhất trong nửa đầu năm kể từ 1983.
Các lĩnh vực khác của thị trường cũng tăng trưởng trong nửa đầu năm nay, ngay cả khi đợt phục hồi chậm lại vào tuần trước. Chỉ số S&P 500 đã tăng 12,7%, trong khi Dow Jones leo dốc khoảng 1,7%.
Ông Adam Sarhan, CEO của 50 Park Investments, đánh giá: “Thị trường đang trong trạng thái điều chỉnh. Năm nay, chúng ta đã có một đợt tăng trưởng rất mạnh, chủ yếu được dẫn dắt bởi cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và Nasdaq 100”.
Theo ông Sarhan, một đợt điều chỉnh sau giai đoạn tăng trưởng là lành mạnh, miễn là thị trường kiềm chế việc bán tháo ồ ạt tương tự vào năm ngoái.
Tuy nhiên, theo ngân hàng Berenberg, đợt tăng giá của cổ phiếu công nghệ hiện đang “hết hơi” khi các thách thức bắt đầu hình thành.
Chiến lược gia Jonathan Stubbs của ngân hàng Berenberg lưu ý thêm: “Từ đầu năm nay, cổ phiếu công nghệ Mỹ đã vượt trội so với các cổ phiếu thông thường mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ việc lợi suất trái phiếu suy giảm hoặc sự xuất hiện một chu kỳ công nghệ mới”.
Tuần này, thị trường sẽ đón nhiều thông tin kinh tế quan trọng gồm chỉ số lạm phát, lượng đặt mua hàng lâu bền, và chỉ số niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan. Bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell cũng là sự kiện được chờ đợi, vì có thể mang tới những tín hiệu mới về kế hoạch tăng lãi suất của Fed.
Ngân hàng trung ương Mỹ dự báo tăng lãi suất thêm 2 lần trong thời gian từ nay đến cuối năm, nhưng thị trường hiện đang dự báo Fed chỉ nâng lãi suất một lần nữa trong cuộc họp vào tháng 7, theo công cụ FedWatch của CME Group.