Sau khi leo dốc liền 5 tháng liên tiếp trong tháng 7, chứng khoán Mỹ chuyển sang trạng thái giằng co và không có xu hướng rõ rệt trong thời gian gần đây. Nếu tính từ đầu tháng 8 tới nay, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều trên đà mất điểm, trong đó Nasdaq Composite và S&P 500 lần lượt mất 5% và 3,3%, còn Dow Jones sụt 1,7%.
Triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp không chắc chắn
Cho tới thời điểm hiện tại của năm nay, giới đầu tư cổ phiếu tỏ ra khá hài lòng với kết quả kinh doanh của các công ty Mỹ nhưng họ có thể sẽ không còn dễ dàng hài lòng như vậy trong thời gian còn lại của năm nay.
Mùa báo cáo tài chính quý II/2023 ở Phố Wall đang dần khép lại. Khoảng 91% cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 đã báo cáo kết quả và khoảng 4/5 trong số này vượt qua kỳ vọng của Phố Wall, theo FactSet.
Trong khi lợi nhuận trung bình của những công ty này vượt dự kiến thị trường và đạt mức cao nhất trong gần 2 năm. Tuy nhiên về doanh thu, chỉ có 62,9% công ty vượt kỳ vọng - tỷ lệ thấp nhất kể từ quý I/2020.
Số liệu của Công ty nghiên cứu và tư vấn Refinitiv IBES cho thấy, thu nhập quý II vừa qua của các công ty Mỹ dự kiến sẽ giảm 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm đó đảo ngược mức tăng 0,1% trong quý trước đó và trở lại xu hướng giảm của quý IV/2022.
Theo Refinitiv, thu nhập quý III của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 dự kiến tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022, trước khi tiếp tục tăng 9,7% trong quý IV.
Và giới đầu tư có thể không vui nếu các công ty không đạt kết quả như kỳ vọng vào cuối năm nay, chủ yếu do định giá cổ phiếu tăng vọt.
Vào cùng thời gian đó, định giá của chỉ số S&P 500 đã trở nên đắt đỏ hơn. Chỉ số này được giao dịch ở mức cao gấp 19,1 lần so với ước tính thu nhập 12 tháng tới khi kết thúc phiên 10/8 vừa qua, so với mức trung bình dài hạn là 15,6 lần. Tỷ lệ này khi kết thúc năm ngoái chỉ ở mức chưa tới 17 lần.
Ông Anthony Saglimbene, Giám đốc chiến lược thị trường tại Công ty dịch vụ tài chính Ameriprise Financial, nhận định rằng mức định giá đã vượt trước các yếu tố cơ bản của thị trường. Vì vậy, các DN hiện phải chứng minh rằng họ có thể thúc đẩy tăng trưởng thu nhập của mình.
Theo Wall Street Journal, ông Mike Wilson, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu tại Ngân hàng Morgan Stanley hồi đầu tháng 6 đã dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ rơi xuống ngưỡng 3.900 điểm, tương đương giảm khoảng 15%, vào cuối năm nay.
Mặc dù tâm lý giới đầu tư nhìn chung đã trở nên tích cực hơn về triển vọng kinh tế Mỹ, một số chuyên gia cảnh báo khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái do tác động có độ trễ của lãi suất cao. Vì các chỉ số như đường cong lợi suất của tài phiếu Kho bạc Mỹ vẫn đang cho thấy những dấu hiệu cảnh báo.
Đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã đảo ngược trong hơn một năm qua, với lợi suất của trái phiếu các kỳ hạn dài hơn thấp hơn lợi suất của các trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn.
Ngoài ra, một cuộc suy thoái có thể thay đổi nghiêm trọng triển vọng thu nhập của các công ty và ảnh hưởng đến việc định giá cổ phiếu. Theo Công ty Ned Davis Research, trong thời kỳ suy thoái, thu nhập của các công ty giảm trung bình 24% hằng năm.
Rủi ro từ lãi suất vẫn dai dẳng
Hiện tại, dù các số liệu kinh tế mạnh mẽ đã xoa dịu những lo ngại về suy thoái, nhưng lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao. Nếu lạm phát không “hạ nhiệt” đủ nhanh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ lãi suất cao trong thời gian lâu hơn.
Một số chiến lược gia thị trường cho rằng nếu Fed tiếp tục có thêm vài đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay, dù với bước nhảy khiêm tốn, cũng có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái và tác động tiêu cực đến thị trường cổ phiếu.
"Chúng tôi tin rằng một số quan chức Fed có thể chưa sẵn sàng cho việc chấm dứt xu hướng thắt chặt tiền tệ hiện tại cho đến khi thị trường việc làm hạ nhiệt” - chuyên gia Brent Schutte, giám đốc đầu tư của Northwestern Mutual Wealth Management, lưu ý trong báo cáo gửi khách hàng.
Kết thúc cuộc họp chính sách hôm 26/7 vừa qua, Fed đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 5,25 - 5,5% - mức cao nhất kể từ năm 2001.
Chủ tịch Fed Jerome Powell từng phát biểu rằng trước đại dịch Covid-19, việc lãi suất lên mức 5% là điều không tưởng. Tuy nhiên, giới đầu tư hiện lại đặt câu hỏi rằng mức lãi suất đó liệu đã đủ cao chưa?
Thậm chí, các chuyên gia cảnh báo, lãi suất quỹ liên bang hiện vẫn thấp hơn so với mức kỷ lục 6,5% ghi nhận vào tháng 5/2000, kéo theo "suy thoái thu nhập" vào đầu những năm 2000. Chính sách thắt chặt tiền tệ quá mạnh tay trên cũng khiến Nasdaq Composites rơi vào giai đoạn thị trường đầu cơ giá xuống tồi tệ nhất trong lịch sử.
Hồi đầu tháng 8, giới chức Nhà Trắng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ đạt mức 2,4% trong năm nay. Dự báo lạc quan về kinh tế Mỹ càng củng cố khả năng Fed có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Thị trường đang đặt cược chỉ khoảng 11,5% Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% trong cuộc họp chính sách tháng 9, theo dữ liệu từ CME FedWatch Tool. Tuy nhiên, xác suất về các đợt nâng lãi suất mới của Fed trong cuộc họp chính sách vào ngày 1/11 và ngày 13/12 lần lượt tăng lên mức 31,7% và 29%.
Trong biên bản cuộc họp tháng 7 vừa được công bố ngày 16/8, các quan chức cho biết Fed có thể cần phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát.
Phát biểu trên đài CNBC, ông Rob Ginsberg - Giám đốc điều hành của Wolfe Research, đã chỉ ra một xu hướng đang lo ngại trên thị trường Phố Wall, đó là cổ phiếu đang mất đà khi xảy ra tình trạng mua quá mức (overbought). Vị chuyên gia lưu ý: “Đây là những gì đang diễn ra với Nasdaq Composite. Chỉ báo MACD của chỉ số này đã phát đi tín hiệu bán lần đầu tiên kể từ tháng 9/2022. Nhưng quan trọng hơn, Nasdaq lần đầu tiên nằm trong tình trạng mua quá mức kể từ đầu năm ngoái. Chỉ số S&P 500 chưa rơi vào tình trạng trên, nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chỉ số này cũng theo chân Nasdaq”.
Báo cáo của Fed nêu rõ: “Trong bối cảnh lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu dài hạn của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) và thị trường lao động vẫn nóng, hầu hết những người dự họp đều nhận thấy những rủi ro đáng kể với lạm phát. Tình trạng này có thể đòi hỏi chính sách tiền tệ phải được thắt chặt hơn nữa”.
Lãi suất tăng vọt có thể hạn chế người tiêu dùng đi vay và chi tiêu. Khi chi phí đi vay tăng lên, các cá nhân ít khả năng chấp nhận các khoản vay mới để mua nhà, ô tô hoặc các hàng hóa tiêu dùng khác. Việc giảm chi tiêu của người tiêu dùng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập và lợi nhuận của các DN, dẫn đến giảm giá cổ phiếu.