Chứng khoán Mỹ hào hứng nhờ Fed, Nasdaq Composite leo dốc 4 tuần liên tiếp

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả 3 chỉ số chính đều tăng điểm trong tuần qua khi nhà đầu tư hy vọng rằng Fed sẽ đưa ra các đợt tăng lãi suất thấp hơn trong năm nay với lạm phát bắt đầu hạ nhiệt.

Chỉ số Nasdaq Composite  tăng 0,95% lên mức 11.621,71 điểm khi khép phiên giao dịch ngày 27/1. Ảnh: CNBC.
Chỉ số Nasdaq Composite  tăng 0,95% lên mức 11.621,71 điểm khi khép phiên giao dịch ngày 27/1. Ảnh: CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục khởi sắc trong phiên cuối tuần 27/1 và đánh dấu một tuần tích cực nhờ các số liệu vĩ mô khả quan cũng như diễn biến bất ngờ của cổ phiếu Tesla.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,95% lên 11.621,71 điểm. Chỉ số S&P 500  tăng 0,25% lên 4.070,56 điểm, còn Dow Jones nhích 28,67 điểm (tương đương 0,08%) lên mức 33.978,08 điểm.

Cả ba chỉ số chính trên sàn Phố Wall cùng đi lên trong tuần này và đang trên đà ghi nhận tháng tăng điểm. Nasdaq Composite dẫn đầu với mức tăng 4,32% trong tuần này và là tuần tăng thứ tư liên tiếp của chỉ số. Nếu kết quả này được giữ vững, tháng 1 sẽ là tháng tăng mạnh nhất của Nasdaq kể từ tháng 7/2022. S&P 500 và Dow Jones tăng tương ứng 2,47% và 1,81% trong tuần. Hai chỉ số này đã tăng 3 trong 4 tuần trở lại đây.

Mùa báo cáo tài chính quý IV/2022 vẫn đang diễn ra ở Phố Wall. Phiên giao dịch ngày 27/1 chứng kiến giá cổ phiếu hãng thẻ American Express leo dốc mạnh 10,5% nhờ dự báo khả quan, cho dù hãng không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư về cả doanh thu và lợi nhuận quý IV.

Một số cổ phiếu con chip cũng giao dịch khởi sắc bất chấp Intel giảm hơn 6% vì báo cáo tài chính ảm đạm, không đạt kỳ vọng.

Ấn tượng nhất là cổ phiếu Tesla với mức tăng 11% phiên này, nâng mức tăng cả tuần lên hơn 33%, sau khi hãng xe điện công bố doanh thu kỷ lục. Đây là tuần tăng mạnh nhất của cổ phiếu Tesla kể từ tháng 5/2013.

Từ đầu năm đến nay, chứng khoán Mỹ đã cho thấy những nỗ lực đảo ngược xu hướng bán tháo của năm 2022. Chỉ số Dow Jones hiện cao hơn 2,5%, S&P 500 và Nasdaq tỏ ra vượt trội với tỷ lệ tăng lần lượt 6% và 11%.

Ryan Detrick, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Carson Group, nhận xét” “Chúng ta đang chuẩn bị đón nhận một tháng Một tích cực sau khi lạm phát hạ thấp và nền kinh tế đang chững lại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn, với cuộc họp của Fed vào tuần tới, nhân tố có thể “dội gáo nước lạnh” vào đà leo dốc này”.

Giới đầu tư đánh giá các số liệu kinh tế mới được công bố trong ngày 27/1, trước cuộc họp chính sách của Fed diễn ra vào tuần tới.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), chỉ số thường được Fed sử dụng để đánh giá mức độ lạm phát, chỉ tăng 0,1% trong tháng 12 năm ngoái, sau khi tăng cùng mức trong tháng 11. 

Chỉ số PCE lõi (không tính giá các mặt hàng năng lượng và thực phẩm) tháng 12 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, khớp với dự báo của các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát. Core PCE là thước đo lạm phát ưa thích của các quan chức Fed.

Bên cạnh đó, số liệu tăng trưởng GDP quý IV/2022 mới được công bố cũng giúp nhà đầu tư thêm kỳ vọng vào khả năng Fed sẽ thành công khi đưa nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm trong cuộc chiến chống lạm phát.

Theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 26/1, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này trong quý IV tăng 2,9%, cao hơn mức dự báo tăng 2,8% mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Trong khi đó, kết quả khảo sát của đại học Michigan cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng trong tháng 1 cũng tăng cao hơn dự báo của các chuyên gia. Theo đó, chỉ số niềm tiên của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 1 là 64,9 điểm, tốt hơn mức dự báo 64,6 điểm từ các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Dow Jones.

Các chuyên gia đánh giá, các số liệu cho thấy lạm phát tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt sẽ giúp Fed có thể đưa ra mức tăng lãi suất thấp trong cuộc họp sắp tới từ ngày 31/1 - 1/2. Thị trường tài chính dự báo Fed sẽ công bố mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2022.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần