Chứng khoán Mỹ: Lãi suất trái phiếu chạm đáy 2 tuần, Nasdaq tăng gần 200 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ tăng điểm khá mạnh vào cuối phiên giao dịch ngày 23/6 khi lợi suất trái phiếu giảm trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục đánh giá về rủi ro xảy ra suy thoái.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm khá mạnh vào cuối phiên giao dịch ngày 23/6. Ảnh: CNBC
Chứng khoán Mỹ tăng điểm khá mạnh vào cuối phiên giao dịch ngày 23/6. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones tăng 194,23 điểm, tương đương 0,64%, lên mức 30.677,36 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng  0,95% lên 3.795,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 1,62% lên 11.232,19 điểm.

Trong ngày 23/6, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 tuần do giá trái phiếu tăng. Lợi suất giảm giúp Nasdaq Composite tăng vượt trội so với hai chỉ số chính còn lại, do cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng cao khác thường có diễn biến ngược chiều với lợi suất. Lợi suất giảm khiến dòng tiền tương lai của các doanh nghiệp này trở nên hấp dẫn hơn, và ngược lại.

“Diễn biến thị trường trong ngày hôm nay và phiên trước đó cho thấy thị trường đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điều này thể hiện qua thay đổi trên đường cong lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ” - ông Scott Ladner, Giám đốc đầu tư của Horizon Investments nhận định.

Quan sát thị trường chung cho thấy các cổ phiếu mang tính phòng thủ hơn như cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản, tiện ích và y tế có thành tích vượt trội, trong đó mỗi lĩnh vực leo dốc khoảng 2%. Các cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu như Clorox vọt 6%.

Trong khi đó, năng lượng là lĩnh vực giảm mạnh nhất thuộc chỉ số S&P 500 khi giá dầu đi xuống. Cổ phiếu Schlumberger sụt gần 6,8%, Valero Energy mất 7,6% và cổ phiếu Phillips 66 giảm 6,8%.

Nhóm cổ phiếu hàng không cũng giảm điểm trong phiên giao dịch, với cổ phiếu United Airline lùi 2,5% do hãng này cắt giảm 12% số chuyến bay khỏi Newark. Cổ phiếu American Airlines mất 0,9% sau khi cắt dịch vụ tại 4 thành phố nhỏ ở Mỹ.

Giới đầu tư tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến phiên điều trần thứ hai tại Quốc hội Mỹ của Chủ tịch Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell. Lãnh đạo FED tái khẳng định “cam kết mạnh mẽ” trong việc giảm lạm phát, nhưng cảnh báo đi kèm là nguy cơ khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và suy thoái kinh tế “có thể xảy ra”, Những phát biểu này của Chủ tịch Powell không có gì thay đổi so với những nhận định mà ông đã đưa ra trong buổi điều trần trước đó một ngày tại Thượng viện, và tiếp tục khiến mối lo suy thoái phủ bóng lên Phố Wall.

 “Chắc chắn là chúng ta sẽ khó tránh khỏi một cuộc suy thoái, nhưng suy thoái nghiêm trọng đến mức độ nào thì chưa biết”, Chủ tịch Nick Giacoumakis của NEIRG Wealth Management cho biết.

Mới đây, UBS đã nâng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế lên 69%, trở thành ngân hàng đầu tư mới nhất dự báo nguy cơ suy thoái cao. Citigroup và Goldman Sachs cũng đã nâng tỷ lệ rủi ro suy thoái trong tuần này.

Ở chiều lạc quan hơn, một chiến lược gia hàng đầu của JPMorgan Chase ngày 23/6 nói ông tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái và thị trường chứng khoán Mỹ sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay.

Sau khi chứng kiến đợt bán tháo mạnh vào tuần trước, các chỉ số chính của sàn Phố Wall đang cho thấy những nỗ lực phục hồi và ổn định trong tuần này. Tính từ đầu tuần đến hết phiên ngày thứ Năm, Dow Jones đã tăng 2,6%, S&P 500 cộng 3,3%, và Nasdaq Composite vọt 4%.

Về dữ liệu kinh tế, báo cáo hàng tuần được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 23/6 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua ở nước này giảm 2.000 đơn, còn 229.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 18/6. Dữ liệu này cho thấy thị trường lao động ở Mỹ tiếp tục thắt chặt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần