Chứng khoán Mỹ: Nhà đầu tư phấn khích khi khủng hoảng Ukraine lắng dịu

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng mạnh trong phiên ngày thứ Ba sau khi có tin Nga rút bớt lực lượng quân đội tập trận gần biên giới Ukraine.

Thị trường chứng khoán Mỹ phủ sắc xanh khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/2, chấm dứt chuỗi ba phiên giảm liên tiếp trước đó, sau khi Nga có vẻ xuống thang căng thẳng ở biên giới Ukraine.

Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh trong phiên ngày 15/2.
Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh trong phiên ngày 15/2.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã bắt đầu rút bớt binh sĩ về căn cứ sau các cuộc diễn tập gần biên giới Ukraine. Thông tin này giúp hạ nhiệt căng thẳng địa chính trị - nhân tố khiến thị trường tài chính toàn cầu rung lắc từ cuối tuần trước đến nay.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones nhảy vọt 422,67 điểm, tương đương 1,2%, lên 34.988,84 điểm, được hỗ trợ bởi đà tăng 3,7% của cổ phiếu Boeing. Chỉ số S&P 500 cộng 1,6% lên 4.471,07 điểm, còn Nasdaq Composite tăng 2,5% lên mức 14.139,76 điểm. Cả 3 chỉ số này đều lao dốc trong 3 phiên trước đó. Sau phiên này, S&P 500 còn cách mức cao kỷ lục khoảng 7%.

Chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu nhỏ cũng không nằm ngoài xu hướng phục hồi của toàn thị trường, chốt phiên với mức tăng 2,8%.

Người phát ngôn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 15/2 cho biết các binh sĩ gần đây được điều chuyển tới các quận miền Nam và miền Tây của Nga, nơi có chung đường biên giới với Ukraine, đã hoàn thành việc diễn tập và “đã bắt đầu lên tàu và trên đường trở về doanh trại trong ngày hôm nay”.

Trước đó, Tổng thống Joe Biden ngày 14/2 tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ các nước thành viên NATO nếu cuộc xung đột ở Ukraine tăng nhiệt.  “Nếu Nga tấn công, chúng tôi sẽ huy động cả thế giới”, ông Biden cho hay, và khẳng định rằng các đồng minh của Mỹ đã sẵn sàng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm “làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Nga cả về mặt kinh tế và chiến lược”.

Sau khi có tin Nga bắt đầu rút một phần quân khỏi biên giới Ukraine,  giá dầu thô WTI giảm 3,6% trong khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 2,04%. Chứng chỉ quỹ VanEck Russia ETF, một quỹ giao dịch tại Mỹ chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp lớn ở Nga, tăng 5,8% khi đóng cửa phiên ngày 15/2.

Nhóm cổ phiếu các công ty hàng không và du lịch dẫn đầu phiên phục hồi trên sàn Phố Wall, với American Airlines nhảy vọt 8,1% và Carnival Corp. tăng 6,7%. Trong khi đó, cổ phiếu các hãng dầu khí sụt giảm, khi Exxon Mobil hạ 1,3% và ConocoPhillips mất 2%. Cổ phiếu công nghệ giao dịch khả quan với Netflix tăng 2,8%, Tesla cộng 5,3%, và Zoom tăng 3,4%.

Chuyên gia Ryan Detrick của LPL Financial nhận định: “Căng thẳng Nga-Ukraine hạ nhiệt đã giúp cải thiện tâm lý chung trên thị trường Phố Wall. Nhưng đó không phải là thông tin tích cực duy nhất. Số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ hiện nay đã giảm 80% so với đỉnh hồi tháng 1, cho thấy quá trình tái mở cửa nền kinh tế vẫn tiếp tục".

Ngoài căng thẳng địa chính trị, nhà đầu tư đang hướng sự quan tâm đến tình hình lạm phát và chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Số liệu công bố ngày thứ Ba cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 1 tăng 1% so với tháng trước, cao hơn nhiều mức dự báo tăng 0,5% của giới phân tích. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số PPI tăng 9,7%.

Thị trường vẫn đang lo về khả năng FED sẽ tăng lãi suất liên tiếp trong năm nay, với đợt tăng đầu tiên vào tháng 3 có thể tăng tới 0,5 điểm phần trăm.

Trong ngày 16/2, FED sẽ công bố biên bản cuộc họp trong tháng 1 vừa qua. Giới đầu tư sẽ chú ý xem biên bản có thông tin nào chưa được công bố trước đó hay không. 

 “Nếu biên bản cho thấy FED thừa nhận đang hành động chậm trễ so với lạm phát, nhà đầu tư sẽ phải đề phòng vì FED có thể sẽ tăng lãi suất nhiều hơn và thắt chặt tiền tệ mạnh hơn," chiến lược gia Michael Arone của State Street Global Advisors nhận xét.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần