Chứng khoán Mỹ rung lắc khi Fed xem xét tiếp tục tăng lãi suất trong 2023

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán Mỹ nhuộm sắc đỏ trong phiên ngày 14/12  khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nâng lãi suất thêm 0,5% và dự kiến tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2023 để kiềm chế lạm phát.

Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên ngày 14/12. Ảnh: Reuters
Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên ngày 14/12. Ảnh: Reuters

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones giảm 142,29 điểm (tương ứng 0,42%) xuống còn 33.966,35 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 0,61% về mức 3.995,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 0,76% xuống còn 11.170,89 điểm.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall chạm mức đáy trong phiên sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ngân hàng trung ương Mỹ cần thêm nhiều số liệu trước khi thay đổi quan điểm về lạm phát. Có thời điểm trong phiên, chỉ số Dow Jones đảo chiều và lao dốc tới 404,47 điểm sau khi nhảy  vọt 287,01 điểm ở đầu phiên.

Chủ tịch Jerome Powell rời buổi họp báo tại Washington hôm 14/12. Ảnh : AFP 
Chủ tịch Jerome Powell rời buổi họp báo tại Washington hôm 14/12. Ảnh : AFP 

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Fed quyết định nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm - một bước nhảy lãi suất không nằm ngoài dự báo. Trước khi giảm tốc về mức tăng này, Fed đã có 4 đợt nâng liên tiếp với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm.

Các quan chức trong Ủy ban Thị trường mở (FOMC) - bộ phận hoạch định chính sách tiền tệ của Fed - cũng dự kiến rằng lãi suất cần được tiếp tục tăng trong năm 2023 và sẽ không được cắt giảm cho tới năm 2024. Fed dự kiến tăng lãi suất lên mức đỉnh 5,1% rồi mới dừng tăng. Mức lãi suất đỉnh mục tiêu được nâng từ mức 4,6% trong tháng 9 lên 5,1% trong cuộc họp lần này.

“Số liệu lạm phát trong tháng 10 và tháng 11 cho thấy tín hiệu đáng mừng là tốc độ gia tăng giá cả hàng tháng đã phần nào giảm bớt. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều bằng chứng thuyết phục hơn nữa để chứng minh rằng lạm phát đang trên đà đi xuống,” Chủ tịch Jerome Powell phát biểu tại buổi họp báo hôm 14/12.

Ông Jim Caron, Giám đốc quản lý danh mục tại Morgan Stanley Investment Management, đánh giá: “Nhà đầu tư thất vọng do giới chức Fed tiếp tục đưa ra quan điểm mang tính diều hâu khi dự báo đỉnh lãi suất tăng từ 4,6% lên 5,1%. Các quan chức Fed hoàn toàn phớt lờ thực tế là lạm phát đang bắt đầu đi xuống”.

"Diều hâu" là từ ám chỉ chính sách tiền tệ thắt chặt như tăng lãi suất và giảm cung tiền để chống lạm phát. Trái lại, "bồ câu" nghĩa là nới lỏng tiền tệ để ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu với hãng tin Reuters hôm 14/12, chiến lược gia trưởng Karl Schamotta của Corpay lưu ý: “Tuyên bố của Fed và những dự báo kinh tế mà Fed đưa ra ngày hôm nay cho thấy rõ ràng rằng ngân hàng Trung ương Mỹ chưa sẵn sàng cho việc ‘xoay trục’ chính sách tiền tệ một cách đáng kể cho tới khi họ thấy có bằng chứng bền vững và chắc chắn về sự đảo ngược của các áp lực lạm phát”.

Theo chuyên gia Jason Pride - giám đốc đầu tư của Private Wealth của Glenmede, tuyên bố của FOMC không đưa ra bất kỳ tín hiệu nào về việc Fed sẽ sớm xoay trục chính sách thắt chặt tiền tệ, mà chỉ giảm tốc độ tăng lãi suất. “Điều này đã gây áp lực rất lớn đối với thị trường cổ phiếu trong phiên giao dịch hôm nay”, chuyên gia Pride nói thêm.

Hầu hết nhóm cổ phiếu thuộc chỉ só S&P 500 đóng cửa phiên 14/12 trong sắc đỏ, giảm sâu nhất là những ngành phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế vĩ mô như tài chính và vật liệu. 

Chuyên gia tài chính Quincy Krosby của LPL Financial nói rằng kế hoạch tăng lãi suất cực đại lên tới 5,1% vào năm 2023 đã đè nặng lên thị trường sau quyết định tăng lãi suất mới nhất của Fed. Bà Krosby nhấn mạnh: “Tình trạng bán tháo cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày thứ Tư không phải do quyết định nâng lãi suất ở mức 50 điểm cơ bản, mà chủ yếu do Fed đã dập tắt kỳ vọng của giới đầu tư khi tuyên bố sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong suốt năm 2023 và chỉ xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2024”.