Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ rung lắc trước nguy cơ suy thoái, Dow Jones sụt hơn  200 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong ngày 9/2 sau khi diễn biến trên thị trường trái phiếu một lần nữa gia tăng lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế.

Chỉ số Dow Jones giảm 249,13 điểm khi đóng cửa phiên ngày 9/2. Ảnh: CNBC
Chỉ số Dow Jones giảm 249,13 điểm khi đóng cửa phiên ngày 9/2. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones giảm 249,13 điểm (tương đương 0,73%) xuống còn 33.699,88 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 36,36 điểm (tương đương 0,9%) về mức 4.081,50 điểm. Nasdaq Composite giảm mạnh nhất trong 3 chỉ số khi mất 120,94 điểm (tương đương 1,02%) xuống còn 11.789,58 điểm.

Cả ba chỉ số trên sàn Phố Wall cùng chạm mức thấp của phiên trong giờ cuối cùng của phiên giao dịch. Có thời điểm trong phiên, chỉ số Dow Jones đã tăng hơn 300 điểm, trong khi S&P 500 và Nasdaq lần lượt cộng 0,9% và 1,4%.

Tuy nhiên, các chỉ số đảo chiều khi lực bán bất ngờ dâng cao sau khi đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm và 10 năm chứng kiến ​​sự đảo ngược sâu nhất kể từ giữa tháng 12/2022.

Phát biểu với hãng tin Reuters, chuyên gia Robert Schein, Giám đốc đầu tư tại Blanke Schein Wealth Management, cho biết đây có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại. "Chúng tôi đã thấy sự đảo ngược khoảng 84 điểm cơ bản cho mức chênh lệch giữa hai kỳ hạn 2 năm và 10 năm ngày hôm nay và điều đó không tốt trên cơ sở lịch sử. Đó là dấu hiệu cảnh báo có khả năng sắp xảy ra suy thoái. Vì vậy, tôi cho rằng giới đầu tư đang lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải tiếp tục duy trì chính sách diều hâu hơn trong năm nay”.

Cũng gây áp lực lên các chỉ số là cổ phiếu của Alphabet (Google) giảm hơn 4,3%, kéo dài đà sụt giảm từ phiên trước đó, sau khi chatbot mới chia sẻ thông tin không chính xác, dấy lên lo ngại nó đang mất dần vị thế trước đối thủ Microsoft.

“Thị trường Phố Wall không duy trì được tâm trạng lạc quan. Một số nhà giao dịch đặt cược rằng Fed sẽ phải thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn so với những gì đang được phản ánh vào giá tài sản” - chuyên gia phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định với đài CNBC.

Nhà đầu tư thời gian gần đây theo dõi các bình luận của Fed để tìm manh mối về chính sách tiền tệ trong tương lai. Tuần trước, các quan chức Fed thống nhất nâng lãi suất thêm 0,25% và cảnh báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để kiềm chế lạm phát.

Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 7/2 nói rằng lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu dài hạn, và ngân hàng Trung ương Mỹ còn nhiều việc phải làm.

Ngoài ra, Phố Wall hiện đang ở giữa mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022. Giới đầu tư tập trung đánh giá xem các doanh nghiệp hoạt động ra sao trong môi trường lạm phát cao và kế hoạch tương lai như thế nào.

Đầu phiên, các chỉ số đồng loạt đi lên khi nhà đầu tư lạc quan về lợi nhuận tích cực mới được công bố của Walt Disney và PepsiCo – hai doanh nghiệp lớn đại diện cho lĩnh vực tiêu dùng.

Disney thông báo doanh thu và lợi nhuận cao hơn kỳ vọng của giới phân tích, và số thuê bao giảm ít hơn dự báo. Giá cổ phiếu Disney ban đầu tăng mạnh nhưng kết phiên giảm 1,3%.

Trả lời phỏng vấn CNBC ngày 9/2, CEO của Disney Bob Iger cho biết ông sẽ chỉ ngồi vị trí lãnh đạo công ty trong vòng 2 năm. Disney mới đây cũng thông báo kế hoạch cắt giảm 7.000 nhân viên và tái cấu trúc nội bộ để tiết giảm 5,5 tỷ USD chi phí.

Mùa báo cáo tài chính này được giới phân tích đánh giá là không tệ, nhưng kém hơn so với bình quân những năm gần đây. Theo dữ liệu từ FactSet, đến nay đã có 2/3 số công ty trong S&P 500 công bố báo cáo, trong đó gần 70% đạt kết quả tốt hơn dự báo. Tỷ lệ này thấp hơn so với mức bình quân 79% của 3 năm trước đó – theo dữ liệu của The Earnings Scout.