Thị trường chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 14/6, sau khi đà giảm mạnh của cổ phiếu Broadcom gây sức ép lên các cổ phiếu sản xuất con chip khác và lĩnh vực công nghệ.
Công ty sản xuất chip lớn Broadcom băn khoăn về tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư cũng bi quan khi Trung Quốc công bố một số thông tin kinh tế kém tích cực.
Cổ phiếu Broadcom sụt hơn 5% sau khi nhà sản xuất con chip công bố doanh thu quý I thấp hơn kỳ vọng và hạ dự báo trong năm 2019, do nhu cầu suy giảm và các lệnh hạn chế giao dịch thương mại của Mỹ nhằm vào Huawei. Chứng chỉ quỹ VanEck Vectors Semiconductor ETF giảm 2,7%.
Các cổ phiếu bán dẫn khác cũng đi xuống. Cổ phiếu Micron Technology, Advanced Micro Technology và Applied Materials đều giảm ít nhất 1%. Thành viên của Dow Jones, cổ phiếu Intel, mất 1.1%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/6, chỉ số Dow Jones hạ 17.16 điểm (tương đương 0.1%) xuống 26,089.61 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0.2% xuống 2,886.98 điểm khi lĩnh vực công nghệ giảm 0.8%. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0.5% còn 7,796.66 điểm
Tâm lý trên sàn chứng khoán Mỹ trong phiên này cũng chịu sức ép bởi dữ liệu công nghiệp đáng thất vọng của Trung Quốc. Cụ thể, sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc chỉ tăng 5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng chậm nhất trong 17 năm và thấp hơn kỳ vọng của giới chuyên gia. .
Chứng khoán Trung Quốc chìm vào sắc đỏ trong đêm qua sau khi dữ liệu này công bố. Chỉ số Shanghai Composite giảm 1%, còn chỉ số Shenzhen A Shares sụt 1,8%.
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã tăng mạnh trong phiên trước đó, giúp đưa chứng khoán Mỹ phục hồi liên tục trong tháng này. Theo đó, Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều vọt hơn 4% từ đầu tháng 6 đến nay. Các chỉ số của Phố Wall cũng ghi nhận 2 tuần tăng liên tiếp, với Dow Jones tăng 0,4%, S&P 500 nhích 0,5% và Nasdaq Composite tăng 0,7% trong tuần qua.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ tại nước này tăng 0,5% trong tháng 5, thấp hơn dự báo tăng 0,6% của các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ trong tháng 4 đã được điều chỉnh cao hơn. Doanh số tháng 5 cũng tăng 0,5% khi loại trừ ô tô, nguyên vật liệu xây dựng gas và thực phẩm.
Thị trường trở nên thận trọng hơn trước cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào ngày 18 - 19/6. Giới đầu tư hiện đang kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất từ 1-3 lần trong năm nay để hỗ trợ tăng trưởng.
“Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng đà giảm tốc của nền kinh tế trong những tháng tới sẽ khiến FED hạ lãi suất, nhưng dữ liệu doanh số bán lẻ đã củng cố quan điểm của chúng tôi rằng các quan chức có khả năng đợi đến cuộc họp chính sách tháng 9 tới trước khi ra quyết định”, Andrew Hunter - chuyên gia kinh tế Mỹ cấp cao tại Capital Economics, nhận xét.
Một số nhà chiến lược nói rằng chứng khoán Mỹ có thể rơi vào một đợt bán tháo nếu FED không đưa ra một lập trường mềm mỏng hơn trong cuộc họp vào tuần tới. Chỉ số S&P 500 hiện đã tăng 4,9% trong tháng 6 và vừa đánh dấu tuần tăng thứ 2 liên tiếp, chủ yếu nhờ hy vọng ngân hàng trung ương giảm lãi suất.
FED dự kiến sẽ không thay đổi bất cứ chính sách nào vào tuần tới, nhưng nhà đầu tư sẽ tìm kiếm gợi ý về khả năng hạ lãi suất vào cuối năm nay.
Thị trường dự báo xác suất hơn 85% FED sẽ giảm lãi suất vào tháng 7 tới. Nhà đầu tư cũng dự đoán khả năng 70% cho một đợt giảm lãi suất khác của FED vào tháng 9./.