Chứng khoán Mỹ tiếp tục bay cao, Dow Jones leo dốc hơn 800 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt khởi sắc trong phiên 28/10 khi các dữ liệu kinh tế vĩ mô cho thấy lạm phát đã có dấu hiệu chậm lại 

Chỉ số Dow Jones tiếp tục tăng hơn 800 điểm khi khép phiên giao dịch ngày 28/10. Ảnh: CNBC
Chỉ số Dow Jones tiếp tục tăng hơn 800 điểm khi khép phiên giao dịch ngày 28/10. Ảnh: CNBC

Thị trường Phố Wall tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu  bất chấp cổ phiếu Amazon lao dốc. Lực đẩy quan trọng trong phiên này là dữ liệu cho thấy lạm phát hạ nhiệt và chỉ số tiêu dùng vẫn vững vàng.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 28/10, chỉ số Dow Jones vọt 828,52 điểm (tương đương 2,6%) lên 32.861,80 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng gần 2,5% lên mức 3.901,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,9% lên 11.102,45 điểm.

Tính chung trong tuần, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều ghi nhận tuần giao dịch ấn tượng. Đây là tuần tăng thứ tư liên tiếp đầu tiên của chỉ số Dow Jones kể từ chuỗi 5 tuần tăng kết thúc vào tháng 11/2021. Chỉ số gồm 30 cổ phiếu thành viên này tăng 5,7%, chứng kiến tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 5 và đang trên đà hoàn tất tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/1976. Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 3,9% và 2,2% cả tuần.

Sàn Phố Wall trong tuần này phân hóa mạnh khi giới đầu tư bán tháo những cổ phiếu công nghệ có kết quả kinh doanh quý III thấp hơn dự báo hay triển vọng quý IV đáng thất vọng như Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Meta (sở hữu mạng xã hội Facebook).

Trong khi đó, nhà đầu tư chuyển mạnh vốn sang những cổ phiếu có độ nhạy cảm cao với chu kỳ kinh tế, những nhóm sẽ hưởng lợi trong trường hợp kinh tế Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái.

Ngoài ra, các dữ liệu kinh tế công bố trong tuần mang lại cho nhà đầu tư những tia hy vọng rằng lạm phát có thể đang giảm nhiệt. Điều này đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất với tốc độ chậm lại sau cuộc họp chính sách vào tuần tới.

Giám đốc đầu tư Megan Horneman của Verdence nhận định: “Dữ liệu lạm phát không đến mức tệ. Lợi nhuận của các công ty niêm yết không thật khả quan, nhưng cũng không phải là tồi tệ. Trong bối cảnh thị trường đang mất phương hướng, những số liệu kinh tế mới nhất phần nào đã hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư”.

Cổ phiếu Amazon giảm 6,8% sau khi công ty báo cáo doanh thu quý III không đạt kỳ vọng và dự báo gây thất vọng về doanh thu quý IV. Cổ phiếu Apple tăng 7,5% dù doanh thu từ iPhone thấp hơn kỳ vọng nhưng tổng doanh thu và lợi nhuận quý III của hãng vượt dự báo của Phố Wall.

CEO Jay Hatfield của Infrastructure Capital Management nói rằng Apple và một số hãng công nghệ có kết quả kinh doanh khả quan khác như Intel đã giúp nhà đầu tư bớt lo ngại về nhóm cổ phiếu công nghệ đang trải qua nhiều biến động trong tuần này. “Apple thực sự là một ngôi sao trong số các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Đây là một thị trường đặc biệt, khi mà điều gì xấu đã bị coi là rất tồi tệ, nhưng chỉ cần tạm ổn đã được đánh giá là tốt, thậm chí là tuyệt vời” - ông Hatfield lưu ý thêm.

Theo chuyên gia Hatfield, thị trường nhận được lực hỗ trợ quan trọng từ cổ phiếu hai hãng dầu khí Chevron và Exxon Mobil, với mức tăng tương ứng 1,2% và 2,9%, sau khi cả hai cùng công bố kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, nhà đầu tư phấn khởi sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cho thấy mức tăng 0,5% trong tháng 9 so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này vẫn cao nhưng nhìn chung phù hợp với dự báo.

PCE là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, do đó việc chỉ số này không “nóng” hơn dự báo có thể dẫn tới việc Fed chỉ nâng lãi suất với mức 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12, thay vì 0,75 điểm phần trăm. Ngoài ra, báo cáo trên cũng cho thấy tiêu dùng cá nhân ở Mỹ tăng 0,6% trong tháng 9, một mức tăng lớn hơn dự báo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần