Chứng khoán Mỹ tiếp tục bị bán tháo khi lạm phát chạm đỉnh 41 năm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày 12/4 do nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu khi đón nhận số liệu lạm phát “nóng” nhất 41 năm.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đảo chiều đi xuống ở cuối phiên ngày thứ Ba khi báo cáo lạm phát ghi nhận mức tăng mạnh nhất hơn 4 thập kỷ càng củng cố việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt hơn.

Chỉ số S&P 500 mất 0,34% xuống còn 4.397,45 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/4. Ảnh: CNBC
Chỉ số S&P 500 mất 0,34% xuống còn 4.397,45 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/4. Ảnh: CNBC

Chốt phiên giao dịch này, chỉ số S&P 500 mất 0,34% xuống còn 4.397,45 điểm, và Nasdaq Composite sụt 0,3% còn 13.371,57 điểm. Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của hai chỉ số này. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones cũng hạ 87,72 điểm, tương đương giảm 0,26%, còn 34.220,36 điểm.

Các chỉ số chính đã tăng mạnh vào đầu phiên, với Dow Jones vọt tới 361,89 điểm, tương đương 1,1%. Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 1,3% và 2%, cho thấy thị trường nỗ lực phục hồi sau phiên giảm mạnh vào hôm thứ Hai. Tuy nhiên, sau khi dữ liệu lạm phát trong tháng 3 được công bố, sắc đỏ đã quay trở lại và duy trì cho tới khi kết thúc phiên giao dịch.

Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12/4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo và là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1981. Tuy nhiên, lạm phát lõi, không tính đến giá của hai mặt hàng có nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng, tăng ít hơn dự báo. So với tháng 2, CPI lõi tăng 0,3%, thấp hơn mức dự báo tăng 0,5% của giới phân tích. Đây là báo cáo đầu tiên cho thấy đầy đủ “cú sốc” gây ra bởi cuộc xung đột Nga -Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, vốn đã khiến giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng đột biến.

Dữ liệu lạm phát mới nhất đã thúc đẩy khả năng FED sẽ đẩy nhanh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Nhà đầu tư lo ngại rằng sự thắt chặt như vậy có thể khiến kinh tế Mỹ giảm tốc.

Ngân hàng T.Ư Mỹ đã nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 3 vừa qua và có thể tiếp tục nâng trong tất cả các cuộc họp chính sách còn lại của năm nay, thậm chí sẽ có ít nhất một lần nâng với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm.

“Tôi tin rằng FED sẽ phải nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong các cuộc họp chính sách sắp tới. FED có thể sẽ phải nâng lãi suất vượt 3%, thậm chí lên đến 3,5% nếu họ muốn lạm phát giảm tốc. Tôi cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới,” giáo sư Jeremy Siegel thuộc Trường Wharton nói với CNBC.

Sau khi số liệu lạm phát được công bố, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm khỏi mức đỉnh của 3 năm vì các nhà giao dịch hy vọng rằng số liệu lạm phát lõi có thể đồng nghĩa với việc lạm phát đang có dấu hiệu đạt đỉnh. Lãi suất này giảm về ngưỡng 2,7% trong phiên ngày thứ Ba, sau khi tăng lên gần 2,8% trong phiên ngày thứ Hai.

Nhóm cổ phiếu công nghệ đã xóa sạch đà tăng mạnh ở đầu phiên với cổ phiếu Microsoft và Nvidia lần lượt giảm 1,1% và 1,9%.

Chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm vào ngày thứ Ba trong bối cảnh giá dầu tăng vọt, khi Trung Quốc nới lỏng lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 tại TP Thượng Hải. Nhóm cổ phiếu năng lượng cũng giao dịch khởi sắc cùng với giá dầu. Cổ phiếu Occidental Petroleum tăng 2,1%, còn cổ phiếu Devon Energy cộng 3,7%. Cổ phiếu Marathon Oil nhảy vọt 4,2% và cổ phiếu Chevron tăng gần 2,1%.

Nhà đầu tư cũng đang chờ đợi mùa báo cáo lợi nhuận khởi động vào ngày 13/4 với JPMorrgan và Delta Air Lines, tiếp đến là các ngân hàng lớn trong ngày thứ Năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần