Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc vì Fed, Dow Jones “bay” hơn 350 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng giảm mạnh trong tuần này do lo ngại Fed giữ lãi suất cao trong thời gian lâu hơn để kiềm chế lạm phát.

Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng giảm mạnh trong tuần này. Ảnh: AP
Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng giảm mạnh trong tuần này. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên ngày 27/10, chỉ số Dow Jones mất 366,71 điểm (tương ứng 1,12%) về mức 32.417,59 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,48% xuống còn 4.117,37 điểm, thấp hơn 10,3% so với mức đỉnh năm 2023 xác lập ngày 31/7.

Chỉ số Dow Jones chịu sức áp lực từ đà lao dốc của cổ phiếu JPMorrgan Chase sau khi Giám đốc điều hành Jamie Dimon thông báo ông dự định bán 1 triệu cổ phiếu vào năm tới.

Ở chiều ngược lại, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,38% lên mức 12.643,01 điểm nhờ đà tăng hơn 6% của cổ phiếu Amazon. Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác như Microsoft cũng đi lên như Amazon.

Tuy nhiên, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng giảm mạnh trong tuần này. Chỉ số Dow Jones mất 2,1%, S&P 500 giảm 2,5% và Nasdaq Composite sụt 2,6%. Trong đó, Nasdaq đã rơi vào trạng thái điều chỉnh từ phiên ngày thứ Tư.

Chiến lược gia trưởng Dave Sekera của Morningstar, nhận định: “Triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn chưa chắc chắn. Vì vậy, mặc dù số liệu GDP  quý III khá tích cực nhưng tôi tin mọi người vẫn kỳ vọng nền kinh tế sẽ giảm tốc. Câu hỏi duy nhất hiện tại là nền kinh tế sẽ chậm lại bao nhiêu và giảm tốc nhanh như thế nào”.

Hôm thứ Năm, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 cho thấy nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 4,9% trong quý 3, cao hơn dự báo của giới phân tích. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng với môi trường lãi suất cao như hiện nay, kinh tế Mỹ tất yếu sẽ giảm tốc trong thời gian tới, thậm chí có những người lo nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Đà giảm mạnh của các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn cũng đã đẩy Nasdaq Composite vào vùng điều chỉnh. Trong tuần này, chỉ số Nasdaq Composite vừa chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2023.

Ngoài ra, báo cáo lợi nhuận thấp hơn dự báo đã gây áp lực lên sàn Phố Wall trong tuần này. Tính đến ngày 27/10, cổ phiếu của Ford đã lao dốc 14% khi công ty báo cáo kết quả kinh doanh trong quý 3 kém khả quan và hạ dự báo cho năm nay do cuộc đình công của Nghiệp đoàn Công nhân Ô tô Mỹ (UAW).

Cổ phiếu của Chevron cũng giảm 13% trong tuần này sau khi gã khổng lồ năng lượng công bố báo cáo tài chính quý 3.

Các nhà đầu tư cũng thận trọng khi xem xét dữ liệu lạm phát mới nhất. Bộ Thương mại Mỹ ngày 27/10 công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng.

Theo báo cáo, PCE lõi tháng 9 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức dự báo được các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Tuy nhiên, chi tiêu cá nhân của người dân Mỹ tăng 0,7% trong tháng 9, vượt mức dự báo tăng 0,5% - dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát còn tăng trong thời gian tới và Fed có thể phải giữ lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2% một cách bền vững.

Triển vọng lãi suất cao lâu hơn là nguyên nhân chính khiến thị trường Phố Wall quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế. Nhà đầu tư lo ngại rằng việc lãi suất được giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn sẽ khiến nền kinh tế giảm tốc, hoặc thậm chí suy thoái trong trung hạn và dài hạn.

Phản ánh mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thời điểm lại vượt mốc nhạy cảm 5% trong tuần này, trước khi kết thúc tuần ở mức 4,85%.

Cuộc họp chính sách tiền tệ sắp tới của Fed sẽ diễn ra từ ngày 31/10 đến 1/11. Các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 98% Fed giữ nguyên lãi suất trong lần họp này.

Chiến lược gia Rob Ginsberg của Wolfe Research lưu ý rằng S&P 500 đang bắt đầu trở nên quá bán, nghĩa là có thể có một đợt phục hồi ngắn hạn trong tương lai gần.