Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Nhật lao dốc, Dow Jones chứng kiến phiên giao dịch thê thảm nhất từ năm 2008

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,76% trong khi chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên tụt dốc mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 10/3 sau khi các cổ phiếu trên sàn Phố Wall chứng kiến ​​phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 chỉ sau một đêm.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 “bốc hơi” 0,76% trong giao dịch buổi sáng, sau khi lao dốc 5,07% trong phiên trước đó. Chỉ số Topix cũng hạ 0,63%.
Chỉ số Nikkei 225 sụt 0,76% trong phiên giao dịch ngày 10/3.
Tuy nhiên, chỉ số ASX 200 trên thị trường Australia quay đầu tăng 1,5% mặc dù ngay đầu phiên chỉ số này đã rơi vào thị trường gấu - được xác định là giảm hơn 20% so với mức cao nhất trong vòng 52 tuần.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch này, với chỉ số tổng hợp Thượng Hải nhích nhẹ, trong khi chỉ số tổng hợp Thâm Quyến giảm 0,336%. Chỉ số thành phần Thâm Quyến tăng 0,25%. Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông (Trung Quốc) cũng nhích hơn 0,7%.
Tại các thị trường khác cũng ghi nhận phiên tăng nhẹ, trong đó chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng hơn 0,34% và chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương (không tính thị trường Nhật Bản) cộng hơn 0,43%.
Các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi sát diễn biến của dịch Covid-19, cũng như cuộc chiến giá dầu vừa được kích hoạt sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng và Ả Rập Saudi tuyên bố giảm giá mạnh giá bán “vàng đen” từ tháng 4.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm về mức 95,537 điểm sau khi tăng vượt mức 97,2 điểm hồi tuần trước.
Đồng yen Nhật giao dịch tăng lên mức 1 USD đổi được 103,52 yen  sau khi giảm còn 101,99 trong phiên ngày 9/3.
Trước đó, chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh trong phiên 9/3, với Dow Jones “bay” hơn 2.000 điểm, chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2008, khi lo ngại về sự lây lan dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu đã khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/3, chỉ số Dow Jones sụt 2.013,7 điểm (tương đương 7,79%) xuống 23.851,02 điểm, chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 15/10/2008. Các cổ phiếu Boeing, Apple, Goldman Sachs và Caterpillar đều khiến chỉ số này giảm ít nhất 100 điểm.
Chỉ số S&P 500 “bốc hơi” 7,6% xuống 2.746,56 điểm trước đà lao dốc của nhóm cổ phiếu năng lượng và tài chính. Các cổ phiếu thuộc S&P 500, bao gồm Exxon Mobil, Hess và Marathon Oil, khép phiên lao dốc hơn 20%. Nhóm cổ phiếu tài chính cũng sụt hơn 10%. Chỉ số này cũng chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 1/12/2008.
Chỉ số Nasdaq Composit cũng giảm 7,29% còn 7.950,68 điểm.
Đà bán tháo mạnh đã khiến sàn Phố Wall phải tạm dừng giao dịch 15 phút sau khi mở cửa.
Chứng khoán Mỹ sụt mạnh sau tuần đầy biến động mà S&P 500 trồi sụt hơn 2,5% trong 4 phiên liên tục.
Chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 2.000 điểm trong phiên giao dịch ngày 9/3.
Giới đầu tư tiếp tục đẩy mạnh bán ra cổ phiếu, tìm kiếm các tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng rằng dịch Covid-19 sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt mức 0,5% lần đầu tiên, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm chạm mốc 1%. Tại một thời điểm hồi đầu phiên ngày 9/3, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm trượt xuống mức 0,318%.
Tâm lý lo lắng trong phiên giao dịch xuất hiện sau khi Ả Rập Saudi hôm 7/3 đã giảm giá bán dầu thô trong tháng 4/2020 trong một bước ngoặt bất ngờ từ những nỗ lực trước đây để hỗ trợ thị trường dầu mỏ.
Động thái này được đưa ra sau khi các cuộc thảo luận của OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, thất bại trong cuộc họp hôm 6/3, khiến một số chiến lược gia nhận thấy giá dầu có thể rớt xuống 20 USD/thùng trong năm nay.
“Đà giảm sốc đã giáng một đòn mạnh đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Họ muốn tháo chạy khỏi tài sản rủi ro càng sớm càng tốt” - ông Chris Chris Rupkey - chuyên gia kinh tế tài chính của MUFG Union Bank lưu ý.
Giá dầu thô chứng kiến phiên sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1991 trong phiên giao dịch ngày 9/3. Theo đó, giái dầu Brent tương lai lao dốc 24% xuống 34,44 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ WTI sụt 24% xuống 31,13 USD/thùng.
Nhà đầu tư cũng rất lo ngại về sự bùng phát dịch Covid-19, điều này đã khiến chứng khoán Mỹ rơi vào vùng điều chỉnh. Tính đến ngày 9/3, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vọt lên hơn 111.000 người với ít nhất 3.800 trường hợp tử vong trên thế giới. Tình hình cũng trở nên nghiêm trọng hơn ở Mỹ với New York, California và Oregon đều tuyên bố tình trạng khẩn cấp.