Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán toàn cầu giảm điểm chờ quyết định lãi suất của FED

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hầu hết các thị trường chứng khoán thế giới mất điểm trong phiên 29/7 khi thị trường thận trọng chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của FED trong tuần này.

Thị trường cổ phiếu toàn cầu giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 29/7 trong khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng khi các nhà giao dịch đặt kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
 Chứng khoán thế giới thận trọng chờ kết quả cuộc họp chính sách của FED.
Nhà đầu tư đang mong mỏi FED thực hiện đợt hạ lãi suất lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ trong cuộc họp ngày 31/7 - một động thái được cho là mang tính phòng ngừa khi tác động từ chiến tranh thương mại và đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu ngày càng lớn.
Báo cáo việc làm tháng 7/2019 có khả năng thể hiện nền kinh tế Mỹ vẫn còn mạnh, trong đó các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Refinitiv dự báo Mỹ có thêm 170.000 việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cực thấp 3,7%.
Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 26/7 cho thấy kinh tế Mỹ giảm tốc trong quý II2019, song mức suy yếu không thấp như Phố Wall dự báo, khi hàng rào thuế quan và đà giảm tốc toàn cầu gây áp lực lên nền kinh tế.
Tại thị trường chứng khoán châu Âu, các cổ phiếu lao dốc ở đầu phiên, tuy nhiên về cuối phiên giao dịch, chỉ số STOXX 600 đi ngang so với phiên trước đó.
FED hiện đang là “nhân tố” tác động mạnh nhất đến thị trường cổ phiếu toàn cầu trong tuần này và các chiến lược gia đang kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ báo hiệu muốn hạ lãi suất thêm trong tương lai. Hầu hết chuyên gia kinh tế dự báo sẽ có từ 1-3 đợt hạ lãi suất trong năm nay, nhưng thị trường gần như chắc chắn FED sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vào ngày 31/7. “Thị trường tin chắc FED sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản”, Quincy Krosby, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Predential Financial, cho hay.
Chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu sụt 0,2% trong phiên này.
Chứng khoán châu Á phần lớn đều suy giảm trong ngày 29/7 khi Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc đàm phán trực tiếp ở Thượng Hải vào ngày 30/7, nhưng chẳng bên nào mong chờ có bước đột phá tại cuộc họp lần này.
Đây sẽ là vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý “đình chiến” thuế quan và nối lại đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản trong tháng trước.
Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow hôm 26/7 đã đập tan kỳ vọng tạo bước đột phá trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung trong tuần này. “Tôi không hy vọng sẽ có thỏa thuận”, ông Kudlow nói với CNBC. “Tôi nghĩ các nhà đàm phán sẽ thiết lập lại mọi thứ và hy vọng hai bên sẽ trở về thỏa thuận đã đổ vỡ vào đầu tháng 5/2019”.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản giảm hơn 0,5%. Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng sụt 0,2% và blue-chip Thượng Hải 0,1%.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng nhuốm sắc đỏ, chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 0,15%, chỉ số Thâm Quyến và chỉ số số tổng hợp cũng lùi nhẹ.
Nhà phân tích thị trường cao cấp Craig Erlam của OANDA nhận xét: "Nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng trong phiên giao dịch đầu tuần chờ đợi những thông tin quan trọng có ảnh hưởng đến thị trường trong dài hạn, bao gồm việc FED sắp bắt đầu một chu kỳ nới lỏng và Ngân hàng trung ương Anh) đưa ra đánh giá đầu tiên kể từ khi ông Boris Johnson nhậm chức Thủ tướng Anh.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,1%, đạt mức cao nhất kể từ ngày 31/5.