Chứng khoán Trung Quốc liên tiếp giảm vì chính sách mới

Nguyễn Thu (Theo Reuters, CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều tờ báo chứng khoán của Trung Quốc lên tiếng trấn an nhà đầu tư, sau đợt bán tháo cổ phiếu kỷ lục do lo ngại việc Bắc Kinh tăng cường việc giám sát đối với một loạt lĩnh vực.

Nhà đầu tư đã tăng tốc bán tháo cổ phiếu Trung Quốc trong 2 phiên giao dịch đầu tuần này, trước động thái kiểm soát quy định trên diện rộng của Bắc Kinh, từ lĩnh vực công nghệ, bất động sản đển giáo dục.
Trong một bài bình luận trên trang nhất hôm 28/7, Nhật báo Chứng khoán Trung Quốc nói rằng yếu tố rủi ro hệ thống "không tồn tại trên thị trường cổ phiếu hạng A nói chung".
 Nhà đầu tư đã tăng tốc bán tháo cổ phiếu Trung Quốc trong 2 phiên giao dịch đầu tuần này. Ảnh: AP
''Đà giảm gần đây của cổ phiếu Trung Quốc không bền vững và thị trường sẽ sớm ổn định trở lại'', tờ Nhật báo Chứng khoán dẫn lại lời của các chuyên gia quản lý quỹ. “Đà giảm ở một mức độ nào đó đã phản ánh sự hiểu sai về chính sách và sự bán tháo của một số quỹ”, bài viết trên tờ Nhật báo Chứng khoán Trung Quốc cho biết. Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc nhận định rằng những yếu tố kinh tế cơ bản vẫn không đổi và thị trường có thể sớm ổn định trở lại.
Trong khi đó, Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc trích dẫn nhận định của của các nhà quản lý quỹ trong nước nói rằng đợt bán tháo là một "sự điều chỉnh cơ cấu", không kéo dài và thị trường không phải đối mặt với rủi ro mang tính hệ thống.
“Mặc dù sự điều chỉnh chính sách ở một số ngành có thể ảnh hưởng tới mô hình kinh doanh của họ, nhưng nó sẽ tạo lợi ích cho xã hội trong trung - dài hạn và hỗ trợ tiêu dùng ở các lĩnh vực khác”, bài viết trên Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc cho biết.
Còn bài viết trên tờ Thời báo Chứng khoán Thượng Hải nhận định, đợt bán tháo sẽ không tiếp diễn, thị trường sẽ dần ổn định, đồng thời cho rằng đà giảm mang lại cơ hội mua ở các cổ phiếu chất lượng. “Đối với các tổ chức, đà lao dốc mang lại cơ hội để lựa chọn các cổ phiếu chất lượng cao”- bài phân tích trên tờ Thời báo Chứng khoán Thượng Hải nhận xét.
Trước đó, cuộc bán tháo cổ phiếu các công ty giáo dục tư nhân đã gây sóng gió trên toàn thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông trong phiên giao dịch ngày 26/7, khi nhà đầu tư lo sợ trước việc Bắc Kinh tăng cường việc giám sát đối với một loạt lĩnh vực.
Chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc đại lục lao dốc 3,2%, trong khi chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông giảm 4,1% - chứng kiến phiên giảm mạnh nhất từ tháng 5/2020. Đà bán tháo lan rộng từ cổ phiếu giáo dục sang các lĩnh vực khác, trong đó mức giảm mạnh hơn cả thuộc về cổ phiếu công nghệ, y tế và bất động sản.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục ghi nhận phiên “rực lửa” trong ngày 27/7 trong bối cảnh xuất hiện nhiều đồn đoán rằng các quỹ đầu tư Mỹ đang bán tháo tài sản ở cả thị trường đại lục và Hồng Kông.
Chỉ số Hang Seng giảm hơn 8% chỉ trong 2 phiên giao dịch đầu tuần này. Chỉ số này tính từ đầu tháng đến nay đã lao dốc tới 13% - hiệu suất kém nhất kể từ tháng 9/2011.
Tại thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số chứng khoán tổng hợp Thâm Quyến sụt 5,5% tính từ đầu tháng đến nay, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2020. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải cũng giảm gần 6% trong tháng này, và chứng kiến tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2018.
Làn sóng bán tháo cũng lan sang thị trường trái phiếu và tiền tệ khiến đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm mạnh. Chốt phiên giao dịch ngày 27/7, tỷ giá đồng NDT ở nước ngoài so với đồng USD giảm gần 1%, xuống mức thấp nhất với mức 6.528 NDT đổi 1 USD.
Trong phiên ngày 27/7, đồng đô la Hồng Kông cũng chạm mức đáy kể từ tháng 4 do chịu tác động từ 2 phiên giảm sâu của chỉ số chứng khoán Hang Seng.
Vishnu Varathan - Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho, ​​cảnh báo rằng đà suy yếu của đồng NDT so với đồng bạc xanh có thể chưa kết thúc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần