Chung một tấm lòng vì trẻ khuyết tật - Ảnh 1
Chung một tấm lòng vì trẻ khuyết tật - Ảnh 2

Trường Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội)



Chung một tấm lòng vì trẻ khuyết tật - Ảnh 3

Một sáng mùa Thu cuối tháng 9/2023, chúng tôi ghé thăm Trường Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Sóc Sơn tại thôn Vệ Linh (xã Phù Linh). Hôm nay, nhà trường tổ chức đón đoàn từ thiện đến tặng quà nhân dịp Tết Trung thu nên các cháu cũng tới lớp sớm hơn thường lệ.

Bà Nguyễn Thị Vẻ (81 tuổi), ở thôn Xuân Dương (xã Kim Lũ) ngồi trên ghế đá nhìn đứa cháu năm nay đã gần 20 tuổi vui chơi với chúng bạn. “Buổi sáng tôi dẫn cháu ra bến xe buýt. Hai bà cháu đi đến trường. Tôi cũng ở lại để đến buổi trưa đón cháu về luôn vì ở đây cháu không chịu ăn uống buổi trưa…” - bà Vẻ nói.

Cháu nội bà Vẻ là em Nguyễn Quang Hậu, sinh năm 2004. Sinh ra được 6 tháng, Hậu bị sốt nặng. Gia đình vội vã đưa đi bệnh viện điều trị, nhưng đều không có kết quả. Sau nhiều năm chạy chữa, nhận thức của Hậu giờ vẫn giống như đứa trẻ mới lên 3 bởi trí tuệ chậm phát triển.

Chung một tấm lòng vì trẻ khuyết tật - Ảnh 4

Cách trường gần 20 cây số, sáng nay, anh Nguyễn Văn Hải (ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí) cũng phải đưa con đi từ sớm để tham gia chương trình Vui Tết Trung thu ở trường. “Nghe được đi dự chương trình Tết Trung thu, thằng bé vui lắm…” - anh Hải nói.

“Thằng bé” mà anh Hải nhắc đến là Nguyễn Văn Nam, sinh năm 1998, tức năm nay đã 25 tuổi. Ngày mới 21 tháng tuổi, Nam bị cảm nặng. Nhà có mảnh đất, rồi trâu bò trong chuồng đều được gia đình bán cả để lo chạy chữa, thuốc thang cho Nam. Dẫu vậy, trời không thương, Nam vẫn bị mắc chứng thiểu năng trí tuệ.

Đó là hai trong tổng số 90 cuộc đời bất hạnh đang được chăm sóc, nuôi dạy ở Trường Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Sóc Sơn. Kể từ khi được thành lập gần 25 năm về trước, nơi đây đã trở thành mái nhà chung cho những em nhỏ kém may mắn, bị khiếm thính hoặc khuyết tật trên địa bàn 26 xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn.

Chung một tấm lòng vì trẻ khuyết tật - Ảnh 5
Chung một tấm lòng vì trẻ khuyết tật - Ảnh 6

Đồng cảm với gia đình trẻ em khuyết tật, những năm qua, huyện Sóc Sơn đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp huy động mọi nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị dạy và học, tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật có được điều kiện chăm sóc tốt hơn và thêm những cơ hội để hoà nhập cộng đồng.

Cô Lê Thuý Ngà - Hiệu trưởng Trường Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Sóc Sơn cho biết, mới đây, thông qua Tổ chức Action Aid Quốc tế tại Việt Nam, Khách sạn JW Marriott Hà Nội đã hỗ trợ nhà trường 233 triệu đồng để xây dựng nhà để xe, lát sân trường, sửa chữa lớp học, nâng cấp phòng hội đồng.

Đặc biệt, một sân chơi cầu lông cho các cháu nhỏ cũng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Hôm chúng tôi tới thăm, các em nhỏ “giành nhau” chơi. Đứa nào đứa nấy tỏ ra rất hào hứng với môn thể thao vận động mới. “Sân cầu lông giúp các em có thêm khu vui chơi thể chất, để nâng cao sức khoẻ, tinh thần lạc quan cho các con khi đến trường…” - cô Ngà cho hay.

Bà Lê Phương Thảo - Giám đốc nhân sự của Khách sạn JW Marriott Hà Nội chia sẻ, hoạt động cộng đồng là một trong những giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp hướng đến. Thông qua Chương trình “Ngôi làng Giáng sinh” được tổ chức hàng năm, JW Marriott đã quyên góp được 233 triệu đồng, phối hợp cùng Tổ chức Action Aid Quốc tế tại Việt Nam, trao gửi hỗ trợ cho Trường Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Sóc Sơn.

Chung một tấm lòng vì trẻ khuyết tật - Ảnh 7

“Với sự hỗ trợ lần này, chúng tôi mong muốn những em nhỏ có hoàn cảnh thiếu may mắn tại Trường Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Sóc Sơn sẽ có được điều kiện tốt hơn để học tập, rèn luyện, để cơ hội hoà nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội…” - bà Lê Phương Thảo nói.

Không chỉ có Tổ chức Action Aid Quốc tế tại Việt Nam, Khách sạn JW Marriott Hà Nội, trong hơn 20 năm đi vào hoạt động, Trường Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Sóc Sơn còn đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện.

Có thể kể tới công trình mái vòm, sân chơi do Bộ Ngoại giao tài trợ; công trình dãy phòng học là quà tặng của Unireach International và BRC (Hoa Kỳ) hỗ trợ; công trình gieo hạt yêu thương, là phòng ngủ dành cho các bé trai do Công ty CP Tài năng Việt tài trợ xây dựng. Những dãy ghế được sắp xếp thẳng hàng lối trong khuôn viên nhà trường cũng là hỗ trợ của Đại sứ quán Hoa Kỳ, Công ty TNHH Yakult Việt Nam và nhiều cá nhân gửi tặng mái trường…

Mặc dù đã được các tổ chức, cá nhân quan tâm, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tại Trường Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Sóc Sơn hiện nay vẫn còn thiếu và chưa được khang trang. Cô Lê Thuý Ngà cho biết, thời gian tới, nhà trường có kế hoạch tiếp tục cải tạo nền lớp học và xây dựng một sân bóng đá mini để trẻ tăng cường vận động. Chính vì vậy, rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía những mạnh thường quân để các cháu có điều kiện phát triển tốt hơn.

Chung một tấm lòng vì trẻ khuyết tật - Ảnh 8

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, hiện nay trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 568 trẻ khuyết tật. Hàng năm, các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm, chăm sóc cho các em nhân dịp lễ, Tết thông qua nhiều hình thức như tặng quà, nhận “đỡ đầu”, hỗ trợ đồ dùng học tập và sinh hoạt… Những món quà đó đã giúp các em có thêm nghị lực trong cuộc sống, nhiều em đã vượt lên trên số phận để hoà nhập cộng đồng.

Hôm chúng tôi tới thăm, nhằm ngày nhà trường đón đoàn từ thiện đến trao quà nhân dịp Tết Trung thu, được chứng kiến những tiết mục văn nghệ do những em nhỏ của Trường Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Sóc Sơn biểu diễn. Những tiết mục “cây nhà lá vườn” đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, biểu diễn khá chuyên nghiệp.

Cô Nguyễn Thúy Nga, giáo viên lớp 2 (Trường Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Sóc Sơn) cho biết, các em khiếm thính vẫn có nhận thức tương đối tốt. Thông qua việc học tập ngôn ngữ ký hiệu, đến nay hầu hết các em ở trường đều đã biết đọc, biết viết. “Nếu tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ những điều kiện để tiếp cận giáo dục tốt nhất, nhiều em hoàn toàn có thể học lên cao nữa, ra trường và đóng góp tích cực cho xã hội…” - cô Nga nói.

Chung một tấm lòng vì trẻ khuyết tật - Ảnh 9

6 năm trước, Dương Thị Thanh Huyền (sinh năm 2005), ở thôn Xuân Dục (xã Tân Minh) được mẹ đưa vào Trường Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Sóc Sơn gửi gắm. Huyền không may bị câm, điếc bẩm sinh nên gặp nhiều khó khăn trong việc hoà nhập với bạn bè.

“Từ ngày đến trường, con có thêm bạn bè cùng cảnh ngộ để chia sẻ, không còn ngại ngùng nữa. Việc học vẫn khó khăn nhưng thấy cháu cười đùa với chúng bạn, tôi cảm thấy vui hơn nhiều…” - chị Nguyễn Thị Thịnh (53 tuổi), mẹ của Huyền, chia sẻ.

Cho đến nay, một ngày anh Nguyễn Văn Hải ở thôn Minh Tân (xã Minh Trí) vẫn một ngày bốn lượt đưa đón cậu con trai bị chậm phát triển trí tuệ đến - về từ Trường Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Sóc Sơn. Anh Hải bảo: Trời sinh vất vả thì đành… Giờ hai vợ chồng để cháu ở nhà, đi làm cả ngày cũng không an tâm. Cho cháu đến trường, nhờ các cô chăm lo cũng bớt phần lo lắng. Cháu cũng có thêm bạn thêm bè, chứ không phải lủi thủi một mình.

Thông qua một giáo viên nhà trường, em Nguyễn Văn Trường, học sinh lớp 4, bị khiếm thính, dùng ngôn ngữ ký hiệu chia sẻ với chúng tôi rằng: Bản thân cảm thấy rất vui vì thường xuyên nhận được sự quan tâm của các cô chú trong dịp Tết Trung thu và Tết nguyên đán. Em mong có được điều kiện học tập tốt hơn để sau nay ra trường, có việc làm, giúp đỡ bố mẹ và không phụ lòng các cô trong trường.

Trên lối đi bên hành lang lớp học, chúng tôi tình cờ đọc được dòng chữ: “Tôi là một điều kỳ diệu. Bạn cũng là một điều kỳ diệu của cuộc sống”. Đó là niềm động viên, khích lệ mà ngôi trường gửi gắm đến các em nhỏ thiệt thòi nơi đây. Mong rằng niềm tin đó sẽ luôn là động lực để thôi thúc các em phát triển bản thân mình. Mong rằng cuộc sống sẽ mang đến cho trẻ khuyết tật nhiều điều kỳ diệu để các em có được cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

Chung một tấm lòng vì trẻ khuyết tật - Ảnh 10
Chung một tấm lòng vì trẻ khuyết tật - Ảnh 11

 

07:15 28/09/2023