Ảnh minh họa |
Việc cải cách thủ tục hành chính và tiến tới thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là điều nhiều người dân rất mong đợi. Người dân cũng mong đợi việc cải cách này sẽ giảm bớt được phiền hà, giảm bớt được thời gian đi lại và đáp ứng được các yêu cầu về các dịch vụ công một cách tốt hơn. Theo thông tin được phát đi, dịch vụ mới này sẽ cung cấp tiện ích đặt lịch hẹn với người dân, DN đến thực hiện chứng thực, giúp giảm thời gian chờ đợi khi thực hiện thủ tục. Với quy định bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính, như vậy, người dân, DN cũng có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử, loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực hoặc xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ hiện nay.
Điều đặc biệt nữa là bản sao chứng thực điện tử được ký số và đóng dấu bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể sử dụng lại nhiều lần. Bởi theo như số liệu của Bộ Tư pháp, trong năm 2019, số lượng bản sao chứng thực được thực hiện là trên 102 triệu bản, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, chi phí xã hội đã tiết kiệm được là 428,4 tỷ đồng/năm. Đây quả là con số không nhỏ.
Như vậy, rõ ràng việc cấp bản sao điện tử và chứng thực bản sao điện tử sẽ rất giúp ích, tiết kiệm cho người dân khi đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, trước hết cần phải đồng bộ và liên thông được hệ thống dữ liệu giữa các cơ quan. Cùng với đó, đây là những quy định mới, người dân sẽ không khỏi bỡ ngỡ khi tiếp cận và thực hiện. Do đó, rất cần các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân sử dụng như thế nào cho hiệu quả, thông tin về giá trị pháp lý... của những loại giấy tờ này. Nâng cao được chất lượng phục vụ công vụ, bảo đảm được yêu cầu, công việc của người dân thì chính sách rất đáng mừng này mới thực sự đi vào cuộc sống.