Chuỗi giá trị sản phẩm từ gạo: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn đứng Top đầu thế giới. Tuy nhiên, gạo Việt mới chủ yếu được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô nên giá trị không cao. Trong khi đó, lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ gạo có tiềm năng mang lại giá trị kinh tế lớn lại chưa thực sự phát triển.

Sản phẩm chế biến từ gạo của Việt Nam nhìn chung còn đơn điệu và mang tính truyền thống. Ảnh: Trọng Tùng
Sản phẩm đơn điệu, giá trị thấp
Không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong nước, ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam hiện xuất khẩu mỗi năm từ 6,5 – 6,7 triệu tấn.

Theo thống kê, tính riêng 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 4,5 triệu tấn, với giá trị khoảng 2,2 tỷ USD (giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị). Trong 8 tháng qua, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng gạo cũng đã tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 489 USD/tấn. Mặc dù phát triển lúa gạo có nhiều tích cực nhưng theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, giá trị xuất khẩu gạo thường có sự biến động lớn, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Công nghệ, tín dụng, thị trường… Gạo Việt đã xuất khẩu đến hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng khó đi vào phân khúc cấp cao, do đó, giá trị thực tế chưa cao.
Công nghệ đủ thì mới tạo được chuyển biến trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm chế biến từ gạo có chất lượng. Tuy nhiên, thị trường vẫn sẽ là yếu tố đóng vai trò quyết định. Giải pháp đặt ra cho bài toán thị trường là cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng cho các sản phẩm từ gạo để tạo tiền đề thu hút tổ chức, DN tham gia đầu tư các dòng sản phẩm từ gạo có chất lượng…
PGS.TS Vũ Nguyên Thành – Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công Thương)

Để nâng cao giá trị cho lúa gạo, những năm qua, ngành chế biến các sản phẩm từ gạo đã được quan tâm, đầu tư. So với xuất khẩu gạo thô, thông qua chế biến giúp mang lại giá trị cao hơn cho hạt gạo. PGS.TS Vũ Nguyên Thành – Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công Thương) dẫn chứng, cùng với một lượng gạo, nếu sản xuất ra nước gạo có thể cho giá trị gấp vài chục lần so với bán gạo thô. Từ hạt gạo, bên cạnh các sản phẩm truyền thống như bún, miến, bánh phở… còn có thể tạo ra sữa gạo, tinh dầu, cám gạo sử dụng trong chăm sóc sức khỏe. Hoặc tách chiết protein để chiết xuất nguyên liệu cho chế biến thực phẩm… Thậm chí tại một số nước như Nhật Bản, đã có thể làm bánh mỳ từ bột gạo.

Giá trị kinh tế cao, tiềm năng phát triển lớn, tuy nhiên, đánh giá hiện trạng, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, các sản phẩm từ gạo của Việt Nam nhìn chung còn rất đơn giản, đa phần vẫn mang tính truyền thống. Trong khi đó, các sản phẩm chế biến có hàm lượng dinh dưỡng cao như gạo lứt thì còn khá đơn điệu, kém đa dạng, thường được nhập trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam.

Giải pháp thúc đẩy chế biến gạo

Để khai thác tối đa tiềm năng của hạt gạo cũng như giảm rủi ro khi việc gia tăng xuất khẩu gặp khó khăn do phụ thuộc nhiều vào các thị trường nhập khẩu, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, cần thiết phải đầu tư, gia tăng giá trị của hạt gạo thông qua chế biến thành các sản phẩm thực phẩm, dược phẩm. Ở đó, việc đưa công nghệ tiên tiến vào chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ gạo là hướng đi quan trọng.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng, đầu tư cho công nghệ chế biến sâu mang lại giá trị gia tăng lớn, nhưng tỷ suất đầu tư cũng sẽ rất cao. Do đó, để hiện thực hóa được mục tiêu này, Nhà nước cần hoạch định chính sách vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo tiền đề thu hút tổ chức, DN tham gia. Trong khi đó, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đánh giá, việc phát triển các sản phẩm từ gạo, bên cạnh câu chuyện công nghệ thì thị trường cũng phải tính đến. “Về lâu dài, muốn phát triển các sản phẩm chế biến từ gạo, cần tìm hiểu rõ thị trường cũng như những yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm tại các quốc gia định hướng xuất khẩu. Từ đó có giải pháp đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các tổ chức, DN trong chế biến, tiêu thụ…” – ông Thủy khuyến nghị.

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), triển vọng xuất khẩu không chỉ với gạo mà còn đối với các sản phẩm từ gạo đã và đang mở ra, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào thực tiễn. Sau từ 3 – 5 năm, thuế suất cho các sản phẩm từ gạo sẽ về 0% và đây sẽ là tiền đề thuận lợi cho ngành chế biến sản phẩm từ gạo phát triển, hướng tới xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để gia tăng giá trị cũng như sức cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam, chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo phải được nâng lên. Theo đó, sẽ tập trung vào một số nhóm sản phẩm như: Sữa gạo lứt, tinh dầu và đặc biệt là cám gạo. Sở dĩ vậy là bởi mức tăng trưởng thức ăn chăn nuôi gần 15% trong nhiều năm qua đã khiến Việt Nam phải nhập khẩu tới 90% cám khô dầu từ Ấn Độ để phục vụ sản xuất. Do đó, khai thác giá trị từ cám gạo nói riêng sẽ giúp gia tăng lợi ích kinh tế nhiều mặt. “Yêu cầu đặt ra đối với sản xuất lúa gạo trong giai đoạn tới không chỉ nhằm cung ứng gạo để bán mà còn phải tạo ra những sản phẩm chế biến sâu từ gạo như thực phẩm, dược phẩm; từ đó giúp mang lại giá trị cao hơn cho hạt gạo” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. Để nâng cao giá trị cho hạt gạo, cần tập trung vào phân khúc gạo chất lượng cao, cũng như các sản phẩm chế biến từ gạo. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy chế biến sâu, hướng đến việc sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm từ gạo có giá trị cao.