Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình môn Ngữ văn mới được xây dựng theo hướng mở

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Ban Phát triển các chương trình môn học (Bộ GD&ĐT), trong đó, chương trình môn Ngữ văn được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Cụ thể, trong chương trình phổ thông mới, ở tiểu học, môn học này có tên là Tiếng Việt; ở THCS và THPT có tên là Ngữ văn. Nội dung cốt lõi của môn học sẽ bao gồm các mạch kiến thức và kỹ năng cơ bản, thiết yếu về văn học và tiếng Việt, đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng cấp học. Chương trình Ngữ văn mới sẽ lấy các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả 3 cấp học (tiểu học, THCS và THPT) nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình theo định hướng năng lực và bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán liên tục trong tất cả các cấp/lớp.
Hệ thống kiến thức phổ thông cơ bản, nền tảng về văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động dạy đọc, viết, nói và nghe. Chương trình được xây dựng theo hướng mở; không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp. Quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học, tiếng Việt và một số văn bản quan trọng của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc.
Bên cạnh đó, môn Ngữ văn hướng tới cho học sinh cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá.
Điểm khác biệt nhất so với các chương trình trước đây là chương trình Ngữ văn lần này được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy học. Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào bốn kỹ năng lớn: Đọc, viết, nói và nghe. Ngoài các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy cơ bản, cốt lõi, thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, lên cấp THPT, chương trình nêu lên nội dung một số chuyên đề tự chọn (35 tiết/lớp/năm) nhằm đáp ứng yêu cầu cho những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn…
Đối với chương trình mới, nhiệm vụ của giáo viên là tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh; hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ học sinh để các em từng bước hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực mà chương trình giáo dục mong đợi. Cần khuyến khích học sinh trao đổi và tranh luận, đặt câu hỏi cho mình và cho người khác khi đọc, viết, nói và nghe. Bên cạnh việc phát huy tính tích cực của người học, giáo viên cần chú ý tính chuẩn mực của người thầy cả trong tri thức và kỹ năng sư phạm. Dù đánh giá theo hình thức nào cũng phải bảo đảm nguyên tắc học sinh được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ và những suy nghĩ của chính các em, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo…
Trên đây là những nét tóm lược về chương trình môn văn. Dự thảo chương trình môn học này sẽ được Bộ GD&ĐT giới thiệu trong tháng 1 để nhận các ý kiến đóng góp.