Chuyển biến tích cực từ mô hình hỗ trợ dịch vụ công tại nhà

Bài, ảnh: Mộc Miên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 2 tháng triển khai, tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến tăng gấp 3 lần, mỗi ngày tiếp nhận 10-15 hồ sơ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến được giải quyết ngay là chuyển biến tích cực từ mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”.

Thí điểm triển khai từ ngày 23/6, mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” đầu tiên trên địa bàn TP Hà Nội tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) đã đạt được hiệu quả thiết thực. Theo cán bộ tư pháp phường Trúc Bạch Đào Lan Phương, thời gian qua, tỷ lệ người dân đăng ký trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến tăng cao. Nhu cầu người dân gọi điện thoại đến nhà hỗ trợ hạn chế hơn do đã được đội cơ động “cầm tay chỉ việc” thời gian trước đó.

Mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” phường Trúc Bạch nhân rộng tại 8 tổ dân phố, phát huy hiệu quả
Mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” phường Trúc Bạch nhân rộng tại 8 tổ dân phố, phát huy hiệu quả

Từ 2 “Đội cơ động” được UBND phường Trúc Bạch triển khai, với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, tiếp cận từng hộ dân”, mô hình đã giúp người dân trên địa bàn phường Trúc Bạch dễ dàng tiếp cận với cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính của chính quyền địa phương thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin… Đến nay, mô hình “Đội cơ động” đã nhân rộng tới 8 tổ dân phố. Trong đó, mỗi đội cơ động tại 8 tổ dân phố gồm có cán bộ phường theo dõi và các tình nguyện viên Tổ trưởng Tổ dân phố, đoàn thanh niên.

Tổ trưởng Tổ dân phố số 6, phường Trúc Bạch, phụ trách “Đội cơ động” cơ sở số 6 Trương Hữu Thanh cho biết, trên thực tế, nhu cầu thực hiện các dịch vụ công như: Đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký cơ sở kinh doanh… đang ngày càng phát sinh nhu cầu của người dân và trở nên thiết yếu trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi trong cộng đồng dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa nhiều. Thậm chí, nhiều người dân còn chưa biết sử dụng cũng như một số gia đình khó khăn không có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin. Chính vì vậy, việc triển khai đội cơ động tại các tổ dân phố phát huy hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

“Trước đây, khi cần làm những thủ tục giấy tờ, tôi cũng đều phải đến trụ sở phường, có khi phải chờ 2 - 3 ngày mới giải quyết xong, mất rất nhiều thời gian. Khoảng 5 ngày trước, đội cơ động của phường đã đến nhà, phổ biến và hướng dẫn tôi cách sử dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại di động. Kể từ đó, mọi thủ tục giấy tờ tôi có nhu cầu thực hiện đều trở nên tiện lợi, nhanh chóng và dễ dàng. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ phường, bây giờ tôi cũng như người dân có thể tiếp cận và sử dụng thành thạo dịch vụ công trực tuyến” - anh Tiến Minh, một công dân phường Trúc Bạch chia sẻ.

Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy cho biết, việc phát huy tốt mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” với quy trình nghiệp vụ rõ ràng, sau thời gian thí điểm đã nhân rộng mô hình tới 8 tổ dân phố.

Mô hình không chỉ hỗ trợ người dân được tiếp cận với công nghệ thông tin mà còn giúp tối giản thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Từ đó, cụ thể hóa “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ và đẩy mạnh tỷ lệ người dân thực hiện dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến.

Với cách thức hoạt động chuyên nghiệp, “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” đã kịp thời đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân làm quen với dịch vụ công trực tuyến. Trong thời gian tới, việc mở rộng phạm vi triển khai mô hình này không chỉ hỗ trợ người dân được tiếp cận với công nghệ thông tin mà còn giúp tối giản thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, từ đó, nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong cải cách hành chính quốc gia.