Chuyện đi xe lên vỉa hè ở Hà Nội: Nếu không quyết liệt...

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở nước ta, việc đi xe lên vỉa hè dường như đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.

Nó diễn ra thường xuyên và lâu đời đến mức, từ lâu trong tiềm thức của nhiều người, vỉa hè đã không chỉ là nơi sinh ra dành cho người đi bộ nữa. Và hậu quả là giao thông hỗn loạn, nhất là vào giờ cao điểm; vỉa hè vừa tu sửa chỉ sau một thời gian lại lồi lõm, xuống cấp.
Còn nhớ, cách đây chừng mươi năm, một chuyên gia giao thông nước ngoài khi sang Việt Nam, tham quan Thủ đô Hà Nội và được chứng kiến tận mắt cảnh giao thông ở đây đã phải thốt lên rằng, ở Việt Nam, người tham gia giao thông như những đàn cá vậy. Hễ chỗ nào bị tắc nghẽn, lập tức "đàn cá" ấy tỏa ra, tràn ra khắp nơi để tìm chỗ thoát. Câu nói này quả là không quá mà còn đúng với thực tế đang diễn ra.

Cách đây không lâu, trên đường Tố Hữu, đoạn nút giao Tố Hữu từng xảy ra hiện tượng, hàng trăm người trèo xe máy lên vỉa hè, đi ngược chiều nhằm sớm thoát khỏi đám đông đang nhích từng bước ở nút giao. Khi lực lượng chức năng có mặt, thay vì đi xe, họ sẵn sàng dắt bộ một đoạn dài, tất nhiên là vẫn dắt xe ngược chiều trên vỉa hè. Không còn cách nào khác, lực lượng chức năng phải lắp đặt hệ thống lan can thép tại khu vực này. Từ đó, vỉa hè nơi đây mới thoát khỏi cảnh “dày vò” như trước. Hậu quả của những lần bị “đổ bộ” ấy là những vỉa hè tan hoang, xơ xác; là những tấm đá lát nứt vỡ rời rạc, vương vãi khắp nơi.

Hành vi đi xe lên vỉa hè, bất kể là ô tô hay xe máy, từ lâu đã bị xã hội lên án. Cũng có không ít ý kiến đề nghị phải coi hành vi này là hành vi phá hoại và phải bị xử lý nghiêm. Nhưng hết năm này đến năm khác, những lời kêu gọi cứ rơi vào quên lãng và những đoàn xe vẫn nườm nượp tràn lên vỉa hè mỗi ngày. Từng có người nói rất khó để chấm dứt tình trạng này, bởi đây tình trạng vi phạm phổ biến, thậm chí đã trở thành thói quen của một bộ phận người tham gia giao thông, rất khó cho cơ quan chức năng xử lý hết.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm với người ngồi trên mô tô, xe máy, hơn chục năm trước khi đưa ra cũng từng bị đặt những câu hỏi như vậy. Cuối cùng, chúng ta vẫn thực hiện thành công, thậm chí là rất thành công. Thế mới thấy, mọi thói quen đều có thể thay đổi nếu toàn xã hội, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Với việc đi xe lên vỉa hè cũng không phải ngoại lệ.

Mới đây, khi phát biểu trong Lễ phát động ra quân Năm An toàn giao thông (ATGT) và đợt cao điểm bảo đảm trật tự, ATGT Tết Nguyên đán Tân Sửu, Lễ hội Xuân năm 2021, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đưa ra yêu cầu các cơ quan chức năng TP đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự, ATGT. Trong đó, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, cần xử lý nghiêm các trường hợp ô tô, mô tô, xe gắn máy đi lên vỉa hè. Đây được nhận định là động thái cứng rắn rất cần thiết và kịp thời của lãnh đạo TP để sớm chấm dứt thói quen đi xe lên vỉa hè, ngăn chặn hành vi phá hoại. Bởi lẽ, nếu không quyết liệt thì dù Hà Nội có bỏ ra bao nhiêu tiền chỉnh trang, sửa chữa, lát đá vỉa hè hàng năm cũng không thể nào chịu được sức tàn phá khủng khiếp của những dòng xe cứ hàng ngày, hàng giờ thay phiên nhau chọn vỉa hè để đi. Mong rằng, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc thì vỉa hè của Hà Nội được trở về đúng công dụng của nó.

Q.N

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần