Cung cấp chữ ký số miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa
Năm 2021 là năm đầu tiên Hà Nội bắt đầu triển khai công tác chuyển đổi số (CĐS). Từ năm 2022 đến nay, dù chưa có các văn bản quy phạm nhưng sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về CĐS, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị.
Toàn bộ hệ thống chính trị của TP đã vào cuộc và đã triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình chung của TP. Nhờ đó, Hà Nội đã thu về nhiều kết quả tích cực đến 6 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, Hà Nội là một trong các tỉnh/TP đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến CĐS năm 2022 được nâng cao, trong đó có chỉ số CĐS cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh/TP, tăng 16 bậc so với năm 2021.
Để có được thành tích trên, UBND TP đã tập trung chỉ đạo hoàn thành các hệ thống lớn, dùng chung toàn TP trong thời gian ngắn, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
Đồng thời, ban hành các quy định, quy chế kèm theo để đảm bảo vận hành, khai thác các hệ thống thông tin, như: Quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động cơ quan chức năng TP đã hoàn thành trong quý I năm nay, quy chế hoạt động hệ thống thư điện tử TP…
Hiện tại, TP cũng đang tập trung triển khai Trung tâm Dữ liệu chính để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV năm nay.
Cùng với đó, Hà Nội đang phối hợp với nhiều doanh nghiệp, đẩy nhanh việc triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.
Đến nay, trên toàn TP đã cấp khoảng 10 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện dịch vụ công trực tuyến của TP.
Không chỉ vậy, năm 2023, TP đã ban hành danh mục dữ liệu mở của TP là những dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan nhà nước và với công dân tổ chức trong thời gian tới. Đồng thời, TP đã chỉ đạo triển khai Cổng dữ liệu TP và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của TP (LGSP).
Hai hệ thống cơ bản này được coi là nền tảng để các đơn vị tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước. Còn các ngành tự triển khai cơ sở dữ liệu, trong đó chủ yếu tập trung vào cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu cán bộ công chức…
Thay đổi tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt
Trong 6 tháng cuối năm 2023, Sở TT&TT TP Hà Nội sẽ tham mưu xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng TP năm 2024.
Cũng trong thời gian này, Sở hoàn thành xây dựng Đề án TP thông minh TP Hà Nội; Danh mục dữ liệu mở TP Hà Nội. Đồng thời không quên rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung danh mục cơ sở dữ liệu của TP và bổ sung mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND TP.
Sở xây dựng bộ chỉ số đánh giá CĐS các cơ quan Nhà nước thuộc TP, đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm Make in Việt Nam và hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số. Trong đó tập trung hoàn thiện trình ban hành và tổ chức triển khai các kế hoạch sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chiến lược quốc gia.
Ngoài ra, Sở tiếp tục triển khai các kế hoạch của UBND TP về phát triển hạ tầng Bưu chính - Viễn thông phục vụ chương trình CĐS TP.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của TP, Sở hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông sản lên sàn thương mại điện tử và triển khai thử nghiệm nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn TP
Theo Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, CĐS là vấn đề sống còn. Để thực hiện thành công CĐS, cần thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan hành chính.
CĐS không phải mua thêm máy tính, mua thêm phần mềm tốt mà là cả một quá trình lâu dài. Đó là thay đổi tư duy làm việc trên môi trường số của đội ngũ cán bộ, công chức đến sáng tạo ra quy trình làm việc mới ứng dụng công nghệ.
Như khẳng định của người đứng đầu chính quyền Hà Nội, bộ máy sẽ không thể làm được nếu còn suy nghĩ phải có cán bộ giỏi tin học mới có thể CĐS, bởi cách tiếp cận này hoàn toàn sai về phương pháp.
“Chuyển đổi số hay là chết” là lựa chọn dễ dàng hơn khi mỗi đơn vị, người đứng đầu cũng như cán bộ, công chức nhìn nhận ra đúng bản chất của vấn đề, từ đó dành sự quan tâm thỏa đáng cho nhiệm vụ này.
Đó là đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin; sắp xếp, xây dựng tổ chức, bộ máy đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin chuyên nghiệp, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn để phục vụ hoạt động xây dựng chính quyền điện tử và CĐS…
Thành công trong CĐS sẽ được đánh giá chính xác khi người dân và doanh nghiệp hài lòng về các thủ tục hành chính được giải quyết trên môi trường mạng.