Chuyển đổi số trở thành cuộc đua ''sống còn'' của doanh nghiệp

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là nhu cầu cấp thiết, mang lại lợi ích nhiều hơn so với rủi ro, bất lợi và trở thành cuộc đua ''sống còn'' của doanh nghiệp Việt.

Nhiều lợi ích từ chuyển đổi số

Chia sẻ tại hội thảo ''Thị trường bất động sản (BĐS) trong xu thế chuyển đổi số'' diễn ra ngày 17/6 tại Đà Nẵng, TS Cấn Văn Lực nhận định, cách mạng công nghệ là thay đổi căn bản, là xu hướng tất yếu. Chuyển đổi số mang lại lợi ích nhiều hơn so với rủi ro, bất lợi và trở thành cuộc đua ''sống còn'' của doanh nghiệp Việt.

TS Cấn Văn Lực trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Quang Hải
TS Cấn Văn Lực trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Quang Hải

TS Cấn Văn Lực chỉ ra 4 lợi ích to lớn cho doanh nghiệp nếu thực hiện chuyển đổi số. Cụ thể, chuyển đổi số giúp tăng cơ hội tăng trưởng, tăng hiệu quả để giao dự án nhanh hơn, dòng doanh thu mới; giúp giảm chi phí, cải thiện tiến độ giao hàng và lợi nhuận dự án, tăng tiết kiệm nguồn cung ứng; tối ưu hóa tác động môi trường, giảm chất thải, tăng tính tuân thủ; cải thiện sự hài lòng của khách hàng, cải thiện tốc độ kinh doanh, giảm rủi ro kinh doanh và công nghệ.

Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện sáng tạo chuyển đổi số Việt Nam cho hay, từ các ứng dụng công nghệ số sẽ giúp doanh nghiệp BĐS nâng cao trải nghiệm khách hàng; sáng tạo mô hình kinh mới; nâng cao hiệu quả vận hành; khác biệt hóa sản phẩm, dịch vụ; giảm thiểu rủi ro kinh doanh.

Hầu hết ý kiến chuyên gia đều có chung nhận định chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS là xu hướng tất yếu, giúp minh bạch thị trường và phát triển bền vững. Nếu doanh nghiệp chủ động thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tăng trải nghiệm cho khách hàng, mở rộng thị trường. Từ đó tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chậm chạp và không có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ bị tụt lại và có nguy cơ bị đào thải.

“Nếu được số hóa, có dữ liệu thì dễ dàng quản lý, dễ dàng kinh doanh, kiểm soát tích cực, hiệu quả. Đặc biệt, tính rủi ro, tính gây thiệt hại cho thị trường sẽ bị triệt tiêu” - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.

Vẫn còn nhiều rào cản, thách thức  

Các chuyên gia cũng đã chỉ ra những thách thức, rào cản khiến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt đang gặp khó khăn và tụt hậu.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, những thách thức trong chuyển đổi số BĐS Việt Nam hiện nay là nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin thiếu và yếu; Doanh nghiệp BĐS thường hoạt động theo hướng truyền thống và ít đầu tư cho hoạt động đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, khung pháp lý chậm thay đổi, cập nhật thiếu đồng bộ và cởi mở; thông tin, dữ liệu thiếu và rải rác...

PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh chia sẻ tại hội thảo: Ảnh: Quang Hải
PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh chia sẻ tại hội thảo: Ảnh: Quang Hải

Còn theo PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, cái khó nhất hiện nay là thiết bị, vì nó khá cồng kềnh. Nhiều thiết bị chưa phổ biến. Đây cũng là cái khó của doanh nghiệp BĐS hiện nay.

TS Cấn Văn Lực chỉ rõ, doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công phải hội đủ các yếu tố sau: Chiến lược và văn hóa dinh doanh số (nếu không đúng sẽ dẫn tới sai đường lối); quy trình và sáng tạo (nếu thiếu các yếu tố này dẫn đến thiếu đồng bộ, lãng phí, tụt hậu...); công nghệ (lựa chọn đúng công nghệ phù hợp là rất quan trọng để thành công).

Chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS là xu hướng tất yếu, giúp minh bạch thị trường và phát triển bền vững. Ảnh: Quang Hải
Chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS là xu hướng tất yếu, giúp minh bạch thị trường và phát triển bền vững. Ảnh: Quang Hải

Bên cạnh đó là hai yếu tố quan trọng khác: Kết nối với nhân viên và khách hàng (thực hiện không đúng sẽ dẫn tới tâm lý phản đối, tẩy chay); dữ liệu và phân tích (giúp đưa ra những quyết định sáng suốt; thiếu công cụ này sẽ dẫn đến quyết định sai lầm, cảm tính và thiếu căn cơ).

TS Cấn Văn Lực cho biết thêm, tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới, kinh doanh BĐS đã có sự hiện diện trực tuyến khá nhanh. Một số dịch vụ dựa trên công nghệ mới đã được sử dụng; hệ sinh thái proptech đang phát triển khá nhanh (năm 2021, proptech Việt Nam nhận được 40 triệu USD đầu tư – cao nhất trong 5 năm).

Để chuyển đổi số thành công, theo TS Cấn Văn Lực, doanh nghiệp BĐS cần xây dựng và thực thi chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp với thời đại số; nghiên cứu, tính toán phương án tối ưu về đầu tư công nghệ thông tin và tích hợp các kênh phân phối khác nhau; thay đổi mô thức tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số; tăng cường kết nối, hợp tác...

“Doanh nghiệp BĐS cần chủ động và nhanh chóng nắm bắt, có chiến lược chuyển đổi số. Tốc độ chuyển đổi số sẽ quyết định thành bại. Con tàu 4.0 đang đi, không chờ ai; ai lên tàu sớm sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh và vị thế mới” - TS Cấn Văn Lực nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần