Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi số, yếu tố then chốt thúc đẩy ngành gỗ phát triển

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/12, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu lâm sản Việt Nam (Viforest) tổ chức toạ đàm: “Chuyển đối số của DN ngành gỗ: Thực trạng, mức độ sẵn sàng và giải pháp”.

Năm 2021 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt 14,3 tỷ USD
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 11/2021 đạt 1,15 tỷ USD, tăng 20,9% so tháng 10/2021, nhưng giảm 7,4% so với tháng 11/2020. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 840 triệu USD, tăng 35,4% so với tháng 10/2021, nhưng giảm 17,3% so với tháng 11/2020. Trong 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.
 Xuất khẩu gỗ và lâm sản có tiềm năng phát triển lớn.
Động lực tăng trưởng của ngành gỗ tập trung lớn vào nhóm hàng đồ nội thất. Trị giá xuất khẩu nhóm hàng này chiếm 67,6% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 11 tháng năm 2021, đạt 8,2 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2020. Viforest cho hay, đến thời điểm tháng 12/2021, tình hình sản xuất đã trở lại bình thường và các doanh nghiệp ngành gỗ đang tăng tốc sản xuất để kịp đơn hàng xuất khẩu đã ký. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự tính cả năm 2021 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt 14,3 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2020, hoàn thành 98,7% mục tiêu đề ra cho năm 2021.
Nguyên nhân khiến cho ngành gỗ không đạt mục tiêu xuất khẩu, xuất phát từ 3 thách thức lớn do đại dịch gây ra mà đến giờ vẫn chưa khắc phục được. Thứ nhất là do nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng cao. Trong 11 tháng năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 5,9 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trị giá khoảng 2 tỷ USD. Nhập khẩu gỗ về khối lượng tăng 7% và tăng 22% về giá. Thứ hai, nguồn lao động ngành gỗ vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn. Đây là ngành cần sử dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp tập trung nhiều ở khu vực TP Hồ Chí Minh và Bình Dương - là những địa phương đang thiếu nguồn nhân công. Thứ ba, chi phí vận tải vẫn đang là điểm nóng, chưa có dấu hiệu cải thiện đối với các doanh nghiệp ngành gỗ.
Còn nhiều rào cản khi chuyển đổi số
Tại toạ đàm, ông Amit Shama - Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu nội dung này cho biết, 5 thị trường lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu đều là những thị trường hiện đại, năng động và bị tác động mạnh thay đổi hành vi người tiêu dùng sau đại dịch Covid-19. Hành vi tiêu dùng mới chủ yếu thực hiện online, chính vì vậy số hóa việc thương mại các sản phẩm là đòi hỏi tất yếu đối với mọi DN.
Tuy nhiên, một số đại biểu đánh giá mức độ chuyển đổi số trong DN gỗ hiện chưa nhiều. Dù ngành gỗ của Việt Nam đang có vị thế tương đối tốt trên thế giới, nhưng sự đóng góp của chuyển đổi số, công nghệ cao vào kết quả này vẫn còn rất hạn chế.
 Sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu tại nhà máy ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Đại diện Văn phòng Chuyển đổi số (Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT) cho biết, Bộ đã nghiên cứu khảo sát nhu cầu thực tiễn, và thấy rằng hiện nay đang có 4 thách thức trong chuyển đổi số của DN.
Thứ nhất, DN nhỏ và vừa có khoảng cách về năng lực triển khai chuyển đổi số, ví dụ như xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số thế nào, cần làm thế nào, bắt đầu từ đâu. Thứ hai là khoảng cách về thị trường thông tin về giải pháp chuyển đổi số cho DN. Hiện nay, có nhiều giải pháp công nghệ đa dạng nhà cung cấp trong và ngoài nước, nhưng để DN xác định đâu là giải pháp phù hợp với mình thì không đơn giản.
Thứ ba là khoảng cách về tài chính mở tín dụng, hoặc chi phí DN phải bỏ ra để chuyển đổi số. Các chi phí này bao gồm chi phí công nghệ, tổ chức lại nguồn nhân lực… Thứ tư là thể chế, chính sách, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, hoạt động của DN phải gắn với hạ tầng nền kinh tế số.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, nhận thức không rõ ràng về khái niệm chuyển đổi số là một trong những nguyên nhân mấu chốt dẫn tới thất bại của quá trình chuyển đổi số. Nhiều DN "ngại" chuyển đổi số vì áp lực chi phí lớn, chưa biết bắt đầu từ đâu, đâu là giải pháp DN có thể bắt tay vào làm ngay và đâu là giải pháp có điều kiện tiên quyết trong trung và dài hạn. Chính vì vậy, DN muốn bắt tay thực hiện quá trình này phải hiểu rõ khái niệm chuyển đổi số để có những lựa chọn phù hợp trong quá trình chuyển đổi này.
Chủ tịch Viforest Đỗ Xuân Lập nhìn nhận, trong tình hình hiện tại, năng lực cạnh tranh của ngành gỗ còn thấp. Dù ngành có sự phát triển rất lâu đời, nhưng năng lực quản trị thấp, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế... Đây là các trở ngại cho phát triển bền vững. Trong ngành đã có nhiều DN doanh số hằng năm lên đến hàng tỷ USD, hy vọng sẽ bắt kịp xu hướng chuyển đổi số để nâng cao năng lực, tạo giá trị gia tăng cao hơn cho ngành.
Lâm sản là một trong số các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cả về sản lượng và trị giá, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, về lâu dài, ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ khó tránh khỏi, do đó ngành gỗ sẽ phải tìm hướng đi mới, đó là buộc các DN phải đổi mới và cải tiến ở tất cả các khâu, từ thiết kế, sản xuất, đến thương mại, trong đó số hóa là yếu tố then chốt.