Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia cảnh báo hậu quả cho Trung Quốc khi "gây hấn" trên Biển Đông và điểm yếu có thể khai thác

Tú Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới phân tích khẳng định, một trong những phương án là Mỹ có thể sẽ trừng phạt các DN dầu khí Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông.

Khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông từ đầu tháng 7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, theo Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp quốc (UNCLOS).

Ba giả thuyết cho “sóng lớn” trên Biển Đông

Trao đổi với báo Kinh tế&Đô thị, TS Nicholas Chapman - chuyên gia về chính trị Châu Á thuộc Đại học quốc tế Nhật Bản khẳng định có 3 giả thuyết khiến Trung Quốc quyết đây gây ra những căng thẳng gần đây, trong đó có việc điều nhóm tàu HD-8 tới Biển Đông.

Thứ nhất, đã 3 năm sau khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết bác bỏ yêu sách Đường Chín Đoạn của Trung Quốc. Kể từ đó, Trung Quốc đã rón rén hơn trong việc công khai các hoạt động trên Biển Đông. Động thái điều tàu ra Bãi Tư Chính có thể chỉ là diễn biến tự nhiên, là một trong những hoạt động gây leo thang căng thẳng, vì Bắc Kinh thực sự không hề ngừng các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông thời gian qua. Nói cách khác, Bắc Kinh đang theo phương thức “đun sôi” căng thẳng từ việc “tăng dần độ nóng”.
 Giới phân tích cho rằng Mỹ có thể tiếp tục điều các loạt tàu ra Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải tại khu vực này. 

Thứ hai, có khả năng Trung Quốc đang tìm đánh lạc hướng khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trong tầm dự liệu. Thương chiến với Mỹ đã có tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh tế của Trung Quốc, với tăng trưởng chững lại một cách đáng lo ngại và lợi nhuận giảm dần. Nói cách khác, Trung Quốc đang tham gia vào một “chiến thuật nghi binh”.

Giả thuyết thứ ba là Trung Quốc chỉ đơn thuần hành động phù hợp với thực tế. Rằng Bắc Kinh là cường quốc lớn hơn và có thể sử dụng một cây gậy khổng lồ nếu mọi thứ có xu hướng leo thang. 

Trong khi đó, ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, kể từ khi hoàn thành việc chiếm đóng và quân sự hóa một số thực thể trên Biển Đông gần đây, Bắc Kinh đã thúc đẩy áp lực lên những quốc gia tuyên bố chủ quyền trong khu vực như Việt Nam, Philippines và gần đây là Malaysia nhằm tiếp tục hoặc mở rộng hoạt động khai thác hay thăm dò dầu và khi đốt trên Biển Đông. Trung Quốc đang quyết tâm buộc các nước láng giềng phải từ bỏ hoạt động này hoặc phải tham gia vào các liên doanh dầu khí với DN Trung Quốc.

Hậu quả cho Trung Quốc?

Theo TS Chapman, Mỹ đã ngày càng tăng cường ảnh hưởng trong khu vực kể từ khi ra mắt chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Tổng thống Donald Trump năm 2017. Hơn nữa, trước động thái lần này của Bắc Kinh, Washington đã ra tuyên bố phản đối ngay lập tức. Phản ứng nhanh này cho thấy quan điểm rõ ràng của Mỹ. Washington có thể sẽ bắt đầu điều tàu ra Biển Đông nhằm khẳng định tự do hàng hải tại vùng biển này.

Mỹ cũng có thể trả đũa bằng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc mặc dù điều này khó xảy ra hơn bởi sẽ mang lại nhập nhèm giữa lợi ích kinh tế và an ninh. 

“Tuy nhiên, tôi tin rằng dù thế nào Trung Quốc cũng sẽ đối diện áp lực lớn. Nhớ lại thời điểm sau vụ việc giàn khoan HD981 năm 2014, Bắc Kinh đã vấp phải một loạt sự phản đối tại các diễn đàn quốc tế như Đối thoại Shangri-La”, ông Chapman khẳng định.
 Chuyên gia Murray Hiebert.

Theo giới phân tích, tuyên bố mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 tại Bangkok hôm 2/8 tới sẽ hé lộ thêm thông tin về bước đi của Mỹ.”Có khả năng Mỹ sẽ xem xét trừng phạt các công ty Trung Quốc liên quan tới các hoạt động dầu khí nói trên, ví dụ, cắt đứt quan hệ kinh tế của họ với các DN Mỹ”, chuyên gia Murray Hiebert chia sẻ với báo Kinh tế&Đô thị.

Việc Trung Quốc có phải trả giá cho những hành động này sẽ còn phụ thuộc vào Mỹ, trong bối cảnh Ngoại trưởng Mike Pompeo đang tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN tại Bangkok và liệu ASEAN có thể đi đến tuyên bố chung trong Hội nghị lần này.

Theo TS Chapman, Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) có liên quan tới sự cố trên Biển Đông lần này. “Trung Quốc đã trì hoãn COC trong thời gian dài. Bắc Kinh có thể muốn phát tín hiệu cho các láng giềng rằng, dù có COC, Trung Quốc vẫn sẽ theo đuổi các yêu sách trên Biển Đông. Thời điểm Bắc Kinh có động thái trên cũng rất nhạy cảm khi ngay sát với Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, đồng thời văn bản đầu tiên của COC cũng sắp hoàn thành”, chuyên gia này cho biết.

Về COC, ông Murray cho rằng còn ít nhất 3 năm để bộ quy tắc này thực sự đi vào hiệu lực, trong khi các nước tham gia đàm phán vẫn duy trì quan điểm khác biệt. Trung Quốc cũng đang yêu cầu các điều khoản của COC “không mang tính rằng buộc”, và nếu điều này thành hiện thực thì sẽ rất khó để Bộ quy tắc góp phần thay đổi hành vi của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo TS Chapman, một khi Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế theo COC, và phối hợp chặt chẽ - đặc biệt với các quốc gia ven Biển Đông có thể gây áp lực hơn nữa cho Bắc Kinh. Ngay cả khi Bắc Kinh từ bỏ các nỗ lực của COC, điều này sẽ đi ngược lại làn sóng hợp tác quốc tế và có khả năng bị cộng đồng quốc tế lên án.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tiếp tục gây áp lực thông qua tập thể và tăng cường hợp tác mở rộng với các nước láng giềng trong khu vực để củng cố khẳng định về chủ quyền. Tính bất hợp pháp của các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là điểm yếu cơ bản nhất mà Việt Nam có thể khai thác, ông Chapman nhấn mạnh.