Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh là nạn nhân vụ cháy chung cư mini

Chuyên gia đưa giải pháp giúp các em vượt qua cú sốc tinh thần

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng vụ cháy chung cư mini gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý cho những nạn nhân là trẻ em. Do đó, ngay sau khi ổn định sự cố, chúng ta phải bắt tay ngay vào sơ cứu tâm lý cho những đối tượng có nguy cơ…

PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra giải pháp góp phần giúp các em học sinh là nạn nhân vụ cháy vượt qua cú sốc tinh thần. Ảnh: NVCC  
PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra giải pháp góp phần giúp các em học sinh là nạn nhân vụ cháy vượt qua cú sốc tinh thần. Ảnh: NVCC  

Nạn nhân có thể bị sang chấn tâm lý

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), vụ cháy chung cư mini gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý cho những nạn nhân là trẻ em. Cụ thể, các em có thể chịu sang chấn tâm lý.

“Sang chấn tâm lý ở trẻ em phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả tình huống hoặc bối cảnh trong các sự cố, thảm họa. Ví dụ như trực tiếp chứng kiến người thân qua đời trong tai nạn hay chỉ nghe kể lại, số lượng người thân bị mất trong tai nạn”, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, nếu ở bên cha mẹ thì các em có thể phản ứng bình tĩnh và vượt qua dễ hơn. Các em được chuẩn bị kỹ năng cho những tình huống giả định cũng sẽ làm chủ các trải nghiệm tốt hơn. Ngoài ra, sang chấn tâm lý cũng phụ thuộc vào độ tuổi và sự phát triển tính cách.

PGS.TS Trần Thành Nam phân tích sau một tai nạn hay thảm họa như vụ cháy chung cư, những biểu hiện thường thấy nhất ở những đứa trẻ bị sang chấn tâm lý là dễ bị tổn thương, sợ hãi và lo âu; các ký ức xâm nhập mạnh mẽ; rối loạn giấc ngủ (mất ngủ); cảm giác tội lỗi/tự trách; tránh né mọi chi tiết gợi lại sự kiện; khó khăn trong việc tập trung; tức giận; buồn bã; đau cơ thể; các hành vi nhi tính (nhõng nhẽo, bám dính lấy người khác); thu mình, cắt đứt các mối quan hệ xã hội,…

Tùy vào từng loại rối loạn tâm thần mà tốc độ hồi phục khác nhau. Thường thì sau một sang chấn tâm lý lớn như chứng kiến người thân ra đi trong một thảm họa thì các rối loạn stress cấp tính sẽ xuất hiện ngay sau khi tai nạn xảy ra.

Sau đó sẽ xuất hiện các thay đổi hành vi như nhi tính hoặc lạm dụng chất. Một hai tuần sau thì sẽ xuất hiện các biểu hiện thu mình, trầm cảm. Rối loạn stress sau sang chấn thường xuất hiện sau đó hơn một tháng.

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết các nhà tâm lý hỗ trợ khủng hoảng thường đánh giá nguy cơ trong vòng 2 tuần sau khi thảm họa/tai nạn xảy ra, sau khi cá nhân đã được sơ cứu tâm lý, sự kiện tai nạn đã được xử lý ổn định và đối tượng đã bình tâm để có khả năng tiếp cận. Sau khi đánh giá bằng các công cụ chuyên môn (trắc nghiệm tâm lý) nếu các kết quả sàng lọc là bình thường thì có thể yên tâm không cần theo dõi.

Nếu có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần thì cần chỉ dẫn bệnh nhân đến các dịch vụ trợ giúp phù hợp, còn những trường hợp nặng, có nguy cơ tự sát thì thậm chí phải chuyển đến các cơ sở chuyên khoa để hỗ trợ cường độ cao.

"Vấn đề là sau sự kiện thảm họa, các nạn nhân đều trải qua những mất mát khác nhau nên rất ít muốn tiếp xúc với người lạ mà chỉ tập trung giải quyết các vấn đề thiết yếu của họ. Vì vậy trước khi đánh giá trẻ em cần được sơ cứu tâm lý, hỏi thăm về tình hình chung của gia đình, ảnh hưởng của thảm họa với các em, thể hiện sự đồng cảm và chia sẻ với những tổn thất. Việc đánh giá cũng phải được tiến hành trong những môi trường mang tính riêng tư, tạo cảm giác thoải mái và không bị gây phiền nhiễu bởi những tác động bên ngoài", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Những bước sơ cứu tâm lý cho các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết: “Ngay sau khi ổn định sự cố, chúng ta phải bắt tay ngay vào sơ cứu tâm lý cho những đối tượng có nguy cơ. Những điều một người hỗ trợ tâm lý có thể làm là: tiếp cận những người cần trợ giúp; tiếp cận nạn nhân một cách đầy tôn trọng; giới thiệu về bản thân (tên, nơi công tác); hỏi xem liệu bạn có thể giúp được gì; tìm chỗ an toàn và yên tĩnh để nói chuyện; giúp nạn nhân cảm thấy dễ chịu, như đưa nước cho họ uống; cố gắng giữ an toàn cho nạn nhân; cố gắng để nạn nhân khỏi phải tiếp xúc với truyền thông vì tính riêng tư và lòng tự trọng của họ.

Nếu nạn nhân đang bị sang chấn nặng, hãy cố gắng đừng để họ một mình; hỏi về những nhu cầu và mối lo lắng của nạn nhân. Hãy luôn hỏi nạn nhân xem họ cần gì và họ đang lo lắng điều gì. Tìm hiểu xem điều gì là quan trọng nhất đối với họ lúc này và giúp họ sắp xếp các mối ưu tiên. Lắng nghe và giúp nạn nhân trấn tĩnh. Ở bên cạnh nạn nhân, không ép buộc nạn nhân phải nói. Lắng nghe khi nạn nhân muốn nói về những gì đã xảy ra. Nếu nạn nhân đau buồn hãy giúp họ trấn tĩnh và cố gắng không để họ ở một mình”.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, một số người trải qua thảm họa trở lên rất lo lắng và bối rối. Do đó, họ có thể bị lẫn lộn hoặc bị cảm xúc chi phối và có một số phản ứng về mặt cơ thể như run hoặc toát mồ hôi, khó thở hay tim đập nhanh.

“Việc sơ cứu cần giúp nạn nhân trấn tĩnh trở lại cả trí óc lẫn cơ thể bằng cách: giữ giọng nói của bạn nhẹ nhàng và bình thản; cố gắng duy trì tiếp xúc mắt với nạn nhân; nhắc với nạn nhân rằng bạn đang ở đó để giúp họ; nhắc với họ rằng họ đang được an toàn, nếu điều này là thật”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết thêm, nếu nạn nhân cảm thấy mơ hồ hoặc lẫn lộn về mọi việc xung quanh, hãy giúp họ ý thức được về bản thân về môi trường hiện tại bằng cách yêu cầu họ ngồi và cảm nhận chân đang đặt trên nền nhà, gõ nhẹ ngón tay hay day lên dái tai, chú ý đến những điều dễ chịu xung quanh bằng cách nhìn, nghe và cảm nhận, yêu cầu nạn nhân kể về những gì họ đang nhìn thấy và nghe thấy; khuyến khích nạn nhân tập trung vào nhịp thở và thở chậm rãi, giúp nạn nhân kết nối.

Nạn nhân có thể cảm thấy bị tổn thương, cô độc hoặc bất lực sau tai nạn/thảm họa. Trong một số trường hợp, cuộc sống thường ngày của họ bị rối loạn khiến nạn nhân không thể tiếp cận được với những hỗ trợ thường lệ hoặc họ thấy bản thân đột nhiên ở trong tình cảnh căng thẳng.

Kết nối nạn nhân với sự hỗ trợ thực tế là một phần chính của trợ giúp tâm lý ban đầu. Giúp nạn nhân tiếp cận các nhu cầu và dịch vụ trợ giúp cơ bản như: thức ăn, nước uống, nơi tạm trú và vệ sinh; nắm được những nhu cầu cụ thể mà nạn nhân muốn là gì, ví dụ như chăm sóc y tế, quần áo mặc hay vật dụng cho trẻ nhỏ như cốc và bát và cố gắng kết nối họ với những nguồn trợ giúp thích hợp. Đảm bảo những nạn nhân thuộc nhóm đặc biệt không bị bỏ qua, tiếp tục hỗ trợ nạn nhân nếu bạn hứa làm như vậy.

"Nạn nhân thảm họa cũng sẽ muốn các thông tin chính xác về sự kiện, người thân hoặc những người xung quanh bị ảnh hưởng, sự an toàn của họ, các quyền lợi của họ và làm thế nào để tiếp cận được các dịch vụ và những thứ mà họ cần.

Khi cung cấp thông tin cho nạn nhân nên giải thích nguồn gốc thông tin bạn đang cung cấp và độ tin cậy của nó; chỉ nói những gì bạn biết, không dựng lên thông tin hoặc đưa ra những lời cam đoan không chắc chắn, đưa thông điệp đơn giản và chính xác, nhắc lại thông tin để đảm bảo nạn nhân nghe và hiểu vấn đề; cung cấp thông tin cho nhóm nạn nhân, để mọi người có thể cùng được nhận thông tin giống nhau; cho nạn nhân biết bạn sẵn sàng cập nhật thông tin, cả thời gian và địa điểm”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Thành Nam cũng lưu ý, khi cung cấp thông tin, cần ý thức được rằng người hỗ trợ có thể trở thành mục tiêu của sự thất vọng, hụt hẫng và tức giận khi những mong đợi của nạn nhân không được đáp ứng. Trong tình huống này, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và tỏ rõ sự thông cảm. Một trong các biện pháp hỗ trợ tâm lý với nạn nhân còn là kết nối với người thân và trợ giúp xã hội.

“Các nghiên cứu đã cho thấy rằng những nạn nhân nhận được sự hỗ trợ xã hội tốt sau thảm họa sẽ dễ vượt qua thảm họa hơn những nạn nhân không được hỗ trợ tốt. Vì lý do này nên việc kết nối nạn nhân với người thân và trợ giúp xã hội là một phần quan trọng của trợ giúp tâm lý ban đầu. Cụ thể, giúp giữ các thành viên gia đình ở bên nhau, giữ trẻ em ở bên cạnh bố mẹ và người thân; giúp nạn nhân liên hệ với bạn bè và người thân để họ có thể nhận được sự trợ giúp, như cung cấp cách thức để họ liên lạc với người thân; giúp đưa các nạn nhân ở cùng nhau để giúp đỡ, chia sẻ”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.