Thạc sỹ Đỗ Cao Phan cũng cho rằng, Hà Nội nên nhanh chóng có các địa chỉ “online” để người dân đề nghị được cấp Giấy đi đường, như cách TP Đà Nẵng thực hiện. Người dân được tiếp nhận thông tin đầy đủ cụ thể về địa chỉ “online” đó qua thông báo của chính quyền, hệ thống loa phường, thậm chí là phát tờ rơi đến từng hộ dân. Tuyên truyền sâu rộng như vậy thì bất cứ người dân nào cũng biết mình có thuộc diện được cấp Giấy đi đường hay không? Cấp như thế nào, cần thủ tục gì, thời gian bao lâu và Giấy phép có thời hạn ra sao.
Kiểm tra xác suất
Những ngày qua, vẫn còn hiện tượng một số vị trí chốt trực kiểm tra Giấy đi đường trên các tuyến giao thông trọng yếu bị ùn ứ phương tiện trong giờ cao điểm. Về vấn đề này, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng nguyên nhân không chỉ từ Giấy đi đường và việc kiểm tra. Trước hết cần lưu ý rằng lực lượng chức năng đã xử phạt hàng nghìn trường hợp ra đường không chính đáng trong thời gian giãn cách. Chính những người thiếu ý thức, cố tình vi phạm quy định giãn cách xã hội đang góp phần tạo thêm gánh nặng cho lực lượng chức năng, làm tốn thêm thời gian của mọi người xung quanh, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng đánh giá: “Với hàng nghìn trường hợp vi phạm đã bị xử phạt và chắc chắn còn tăng thêm, việc kiểm soát người dân, cấp Giấy đi đường là rất cần thiết, khó lòng bãi bỏ”. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, để tránh ùn ứ giao thông, dẫn đến tập trung đông người tại một số chốt trực, lực lượng chức năng có thể kiểm tra xác suất trong giờ cao điểm, đồng thời tăng cường kiểm tra kỹ lưỡng hơn trong khung giờ thấp điểm. “Bản thân lực lượng trực chốt cũng cần điều chỉnh công tác kiểm tra cho phù hợp hơn. Hiện không ít chốt trực, trong giờ cao điểm thì kiểm tra đồng loạt, giờ thấp điểm lại thiếu sát sao. Bất cấp này cũng là một trong những nguyên nhân gây bức xúc cho người dân” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, Chỉ thị 20/CT-UBND của TP Hà Nội đã phân tách cho 6 nhóm đối tượng được ra đường cụ thể để thực hiện các công tác phòng, chống dịch và hoạt động thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian giãn cách, như vậy là khá chi tiết và đầy đủ.
Tuy nhiên, công đoạn cấp, duyệt Giấy đi đường cho những người thuộc cơ quan, đơn vị trong nhóm này lại có phần rườm rà. Thực tế, các dịch vụ vui chơi, giải trí, tụ tập đông người trên toàn địa bàn Thủ đô đang được tạm dừng đồng nghĩa với việc đa số người dân sẽ không ra đường nếu không phải vì lý do thiết yếu. Do đó, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, thay vì kiểm soát tập trung tại các chốt, vừa khó thực hiện đầy đủ tuần tự các bước, vừa gây ùn ứ, dồn số lượng lớn người và phương tiện tại một điểm, Hà Nội nên tăng cường tuần tra lưu động, kiểm tra xác suất.
Riêng về vấn đề Giấy đi đường, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, nếu thực sự cần thiết thì phải thực hiện cấp, duyệt bằng công nghệ, TP cần xây dựng các cổng trực tuyến để người dân, DN đăng ký online, qua đó đảm bảo tính chính xác, minh bạch đồng thời hạn chế những khó khăn trong việc phải di chuyển tới trụ sở, cơ quan có trách nhiệm cấp giấy.