Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Cường quốc nông nghiệp không thể còn trẻ em thấp còi

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ câu chuyện kinh tế nông nghiệp những ngày đầu Xuân Tân Sửu 2021, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan – nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá cao những bước phát triển mạnh mẽ thời gian qua, nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm còn hạn chế. Bà đưa ra góc nhìn về một số giải pháp định hướng nhằm phát triển nông nghiệp trong giai đoạn tới.

 Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam thực chất chưa có quá nhiều sản phẩm hàng hoá đặc trưng và có chất lượng tốt. Không chỉ riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều năm qua, Việt Nam mới chỉ tập trung gia công. Hầu hết hàng hoá nói chung, nông sản nói riêng đều có giá trị gia tăng thấp.
“Bây giờ là lúc chúng ta phải nghĩ lại, làm lại theo cách xây dựng hệ thống cao hơn. Sẵn sàng từ bỏ những cái cũ, kể cả tư duy phát triển” – chuyên gia Phạm Chi Lan nói; đồng thời nhấn mạnh, phải bắt đầu từ chính sách, trong đó định hướng chính sách nông nghiệp của Việt Nam là yếu tố cần phải thay đổi trước tiên.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nhiều người cứ nói cố gắng để Việt Nam trở thành cường quốc về nông nghiệp, nhưng điều đó vẫn còn khá xa. Cường quốc về nông nghiệp không thể chỉ có sản lượng, còn chất lượng sản phẩm thì thấp. Giá cả bán ra cũng vào loại thấp hàng đầu thế giới. 
Bên cạnh đó, nhiều ngành hàng của Việt Nam có quy mô lớn, nhưng cũng chưa có tiếng nói để chi phối thị trường. Trong khi tại nhiều quốc gia khác, họ sản xuất số lượng ít hơn rất nhiều so với Việt Nam, nhưng vẫn có tiếng nói quyết định thị trường.
Nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu là đòi hỏi đặt ra đối với ngành nông nghiệp
Để tạo bước đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đối với chính sách, cần mạnh dạn từ bỏ việc thực hiện theo kiểu diện rộng, tăng trưởng lấy số lượng là chính mà không quan tâm đến chất lượng. Các chỉ số về phát triển nông nghiệp nên tập trung vào yếu tố tính chất lượng nhiều hơn. 
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, an toàn thực phẩm là yêu cầu tiên quyết đặt ra trong chính sách phát triển nông nghiệp trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, cần coi trọng an ninh dinh dưỡng. “Một cường quốc sản xuất nông nghiệp không thể còn tình trạng trẻ em thấp còi như hiện nay được” – bà Phạm Chi Lan bày tỏ quan điểm.
Tiêu chuẩn chất lượng cũnglà yếu tố đặt ra nhằm hướng tới xuất khẩu mặt hàng giá trị cao hơn. Trong xu thế đó, cần loại bỏ xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm có chất lượng thấp. “Là sản phẩm Việt Nam, nhưng khi đưa qua Trung Quốc, Thái Lan để họ xuất khẩu hộ thì giá trị cao hơn rất nhiều thì vô lý quá. Tự mình phải theo đuổi những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn. Nói khó thì khó thật đấy, nhưng đã đến lúc chúng ta phải làm thế rồi, chứ không phải làm theo kiểu chất lượng thấp kém mãi được” – vị chuyên gia kinh tế nói.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng chia sẻ rằng, ngay cả hiệu quả về sản lượng cũng là câu hỏi đặt ra, bởi muốn có sản lượng cao đôi khi không khó, nhưng chất lượng nông sản lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Chính vì vậy đối với chính sách nông nghiệp, phải mạnh dạn loại bỏ những thói quen xấu, chính sách đã không còn phù hợp nữa, dù trước đây là tốt. 
Định hướng hỗ trợ thời gian tới, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cần tập trung vào những cái mới, phát triển theo hướng an toàn bền vững. Khuyến khích, coi trọng phát triển cả giống bản địa. “Cứ nhắc đến sản xuất công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, nhưng không chú trọng bảo tồn và phát triển giống bản địa thì rất nguy hiểm. Bởi nếu không gìn giữ thì đến một ngày sẽ không còn đặc trưng của Việt Nam nữa” – chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.