Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia Nga: cơ hội “vàng” để chấm dứt xung đột tại Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tuyên bố sự trung lập đối với Kiev là điều kiện tiên quyết quan trọng để chấm dứt xung đột với Moscow một cách vĩnh viễn. 

Hãng tin Tass ngày 9/11 đưa tin chuyên gia chính trị cấp cao Nga Alexander Dynkin, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Primakov, nhận định rằng điều kiện được Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu ra bên lễ Diễn đàn Valdai trong tuần này đã mở ra cơ hội kết thúc xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu với báo giới bên lề Diễn đàn Valdai tổ chức ở Sochi ngày 7/11. Ảnh: Tass
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu với báo giới bên lề Diễn đàn Valdai tổ chức ở Sochi ngày 7/11. Ảnh: Tass

Theo chuyên gia Dynkin, Mỹ có thể nghiên cứu kỹ các phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong phiên thảo luận chính tại Diễn đàn quốc tế Valdai tổ chức ở Sochi hôm 7/11 vừa qua.

“Cơ hội để chấm dứt chiến sự tại Ukraine là hoàn toàn khả thi” - ông Dynkin cho biết khi được hỏi về khả năng chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

“Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Putin tại Diễn đàn Valdai là cơ hội duy nhất để chấm dứt chiến sự tại Ukraine. Moscow từ lâu đã nêu các điều kiện để kết thúc xung đột, bao gồm việc Kiev duy trì vị thế trung lập và công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Nga”.

Tuy nhiên, chuyên gia Dynkin lưu ý thêm rằng việc đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột đòi hỏi “một số đảm bảo và cam kết từ phía Mỹ.

Trước đó, phát biểu tại buổi họp báo tại Diễn đàn quốc tế Valdai ở Sochi hôm 7/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, sự trung lập đối với Kiev là điều kiện tiên quyết quan trọng để chấm dứt xung đột với Moscow một cách vĩnh viễn. "Nếu không có sự trung lập, thật khó để tưởng tượng bất kỳ mối quan hệ láng giềng tốt đẹp nào giữa Nga và Ukraine" – người đứng đầu Điện Kremlin nói.

Tổng thống Putin giải thích rằng nếu không có vị thế trung lập, "Ukraine sẽ liên tục bị sử dụng như một công cụ trong tay nước ngoài, gây phương hại đến lợi ích của Liên bang Nga". “Điều này có nghĩa là không có cơ sở nào để bình thường hóa quan hệ, một kịch bản mà Moscow muốn tránh”, ông nói thêm.

Tính khả thi của ‘kế hoạch hòa bình’ do ông Trump đề xuất

Tờ Wall Street Journal (WSJ) hôm 7/11 dẫn một số nguồn tin tiết lộ đội ngũ của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang xem xét các phương án “đóng băng” cuộc xung đột ở Ukraine.

Một quân nhân Nga đang tại vùng Kursk, Nga, ngày 5/11, Ảnh:Sputnik
Một quân nhân Nga đang tại vùng Kursk, Nga, ngày 5/11, Ảnh:Sputnik

Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị và quân sự người Nga Sergey Poletaev nói với Sputnik rằng dù ‘kế hoạch hòa bình’ do ông Trump đề xuất được cho là động thái tích cực đầu tiên, nhưng kế hoạch này sẽ cần phải điều chỉnh để được Moscow chấp thuận.

Ông Poletaev nhận định với tình hình hiện tại, cơ hội để "kế hoạch hòa bình" được nêu trên tờ WSJ trở thành hiện thực là rất thấp. Vị chuyên gia cho biết: “Thời điểm hiện tại, Nga sẽ không chấp thuận kế hoạch này bởi một trong những mục tiêu chính của Moscow - loại bỏ mối đe dọa quân sự xuất phát từ Ukraine - không được giải quyết, và ngược lại. Theo đó, các điều kiện nêu ra không phù hợp với chúng tôi trong tình hình này, song nó có thể là một số điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán”, ông Poletaev nói.

Vị chuyên gia giải thích rằng đối với Nga, mối đe dọa an ninh đầu tiên xuất phát từ việc Ukraine gia nhập một khối quân sự lớn, tức NATO, và thúc đẩy cơ sở hạ tầng của NATO. Mối đe dọa thứ hai liên quan đến việc phương Tây viện trợ quân sự cho Kiev. Ông Poletaev cho biết mục tiêu lý tưởng của Nga là “dân chủ hóa” Ukraine, nghĩa là giải trừ quân bị.

Ông Poletaev cũng chỉ ra các điều khoản của dự thảo thỏa thuận hòa bình tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), từng bị NATO phá vỡ vào tháng 3/2022, và đề xuất hòa bình bất ngờ của Nga vào tháng 6 năm ngoái - bao gồm các điểm về việc cắt giảm quy mô quân đội Ukraine.

Theo chuyên gia quân sự Nga, đối với bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào đạt được, việc thực hiện thỏa thuận đó trong dài hạn sẽ luôn phụ thuộc trước hết và quan trọng nhất vào sức mạnh quân sự, kinh tế và chính trị của Nga.

Bình luận về tương lai của xung đột Nga-Ukraine nói chung trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, ông Poletaev cho biết, mặc dù đảng Cộng hòa có thể leo thang về mặt chiến thuật, như cho phép Ukraine sử dụng các hệ thống tên lửa tầm xa của NATO để tấn công Nga, bất kỳ hành động nào không phải là sự can thiệp trực tiếp của NATO (có khả năng gây ra chiến tranh hạt nhân) cuối cùng sẽ dẫn đến thất bại cuối cùng của Ukraine.

“Tuy nhiên, về mặt chiến lược, tôi không mong đợi bất kỳ sự leo thang nghiêm trọng nào từ chính quyền Tổng thống Trump”, ông Poletaev nói thêm.

Đồng thời, chuyên gia này tin rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ kết thúc khi việc tiếp tục chiến tranh trở nên tốn kém hơn đối với chính quyền Kiev, so với các điều kiện giải trừ vũ khí. “Đối với ông Trump, vị Tổng thống Mỹ không thể cung cấp cho Ukraine bất kỳ đảm bảo hòa bình nào. Chỉ có Nga mới có thể làm được điều này,” chuyên gia Poletaev kết luận.