Theo các nhà phân tích của Sputnik, nhiệt độ của Biển Đông không được đo theo các đơn vị đo lường thông thường mà bằng mức độ căng thẳng chính trị.
Hành động quân sự hóa trái phép tại Biển Đông của Trung Quốc khiến
các quốc gia trong khu vực quan ngại.
|
Tầm quan trọng của vùng biển này được quyết định bởi các yếu tố kinh tế và địa chính trị. Trước hết, ở vùng Biển Đông có trữ lượng lớn dầu khí: theo một số ước tính, Biển Đông chứa khoảng 7 tỷ thùng dầu và 190 tỷ mét khối khí tự nhiên.
Thứ hai, vùng Biển Đông, kể cả khu vực gần các quần đảo tranh chấp, là một trong những huyết mạch vận tải thương mại sầm uất nhất của thế giới. Ví dụ, khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển qua vùng Biển Đông. Lượng dầu và khí hóa lỏng được vận chuyển mỗi năm qua eo biển Malacca, cửa ngõ phía Tây của Biển Đông, là lớn gấp 3 lần so với kênh đào Suez, và gấp 15 lần so với kênh đào Panama.
Và chính ở vùng Biển Đông trong mấy thập niên qua tiếp diễn tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Ví dụ, tham gia cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Trường Sa có các quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Malaysia và Brunei. Và "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh thể hiện yêu sách bao chiếm gần như toàn bộ Biển Đông.
Vào đầu những năm 1990, các nước ASEAN đã đề xuất sáng kiến về xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) được chấp nhận bởi tất cả các bên tham gia xung đột. Theo kết quả các cuộc thảo luận kéo dài và không phải lúc nào cũng thành công, đặc biệt các cuộc thương lượng giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, vào tháng 11/2002 các bên đã ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tuy nhiên, bản tuyên bố đó vẫn không loại bỏ những mâu thuẫn giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, chủ yếu là do những hành động của Bắc Kinh phô trương sức mạnh ở Biển Đông.
Trong lúc nhiều nhà bình luận cho rằng, con đường dẫn đến việc thông qua COC là cuộc hành trình không bao giờ kết thúc, ông Dmitry Mosyakov - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Đông Phương Học (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) bày tỏ sự lạc quan về tiến trình này khi giới chức Singapore – nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng COC. Hành động quân sự hóa trái phép tại Biển Đông của Trung Quốc khiến các nước trong khu vực e ngại và không thể ngồi yên để Bắc Kinh đơn phương thực hiện yêu sách đường "lưỡi bò". Vì thế, các chuyên gia Nga tin chắc rằng, dù sớm hay muộn sẽ đạt được COC, chỉ cần các bên có sự kiên nhẫn và sự thương lượng.