Chuyên gia: Nga sẽ đối thoại với Ukraine sau khi đạt "mục tiêu cơ bản"

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Khi Nga đã khởi sự, có những mục tiêu công khai và chiến lược, sách lược không công khai thì họ phải đạt được mục tiêu nào đấy mới có thể có những bước tiếp theo về đối thoại ngoại giao".

Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt của quân đội Nga trong khu vực do phe ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine mà ông đã công nhận độc lập trong tuần này.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương, chuyên gia phân tích các vấn đề về Nga nhận định, triển vọng cho các biện pháp ngoại giao giữa Nga và Ukraine hiện khá mong manh nhưng vẫn còn cánh cửa hẹp.

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát.
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát.

Mất lòng tin chiến lược - lý do cho chiến dịch quân sự

Nguyên nhân đằng sau quyết định khởi động chiến dịch quân sự hôm 24/2 của Tổng thống Nga Vladimir Putin là gì, thưa ông?

Trong lĩnh vực an ninh quốc gia – an ninh quốc phòng thì điều Nga lo ngại nhất là NATO mở rộng sang hướng đông áp sáp biên giới Nga và khả năng kết nạp nước láng giềng Nga – đặc biệt là Ukraine một nước láng giềng khá lớn.

Thời gian vừa qua đã có nhiều động thái hướng tới việc NATO sẽ kết nạp Ukraine. Nga rất lo ngại về điều đó và cũng đã đề xuất với Mỹ và NATO cam kết yêu cầu bảo đảm an ninh. Nhưng vừa qua những vòng thương lượng đầu tiên đã bị Mỹ và phương Tây bác bỏ. Nga nhận thấy nếu không có những hành động mạnh thì có thể cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine ngày càng lớn mạnh lên và trực tiếp đe dọa Nga.

Chiến dịch quân sự của Nga mặc dù nêu mục tiêu là bảo vệ người dân nhưng Tổng thống (TT) Putin kèm theo đấy là phi quân sự hóa/phi phát xít hóa Ukraina. Nga đánh giá trong thành phần chính quyền Ukraine có những lực lượng hướng vào những hành động gọi là “Phát xít mới”. 

 

"Nga nhận thấy có tiếp tục thương lượng nữa thì những đòi hỏi cốt yếu này cũng không được đáp ứng và chỉ thương lượng đàm phán mất thì giờ vào những vấn đề thứ yếu nên quyết định hành động". 

Thời điểm Nga quyết định khởi động chiến dịch quân sự có gì đáng lưu ý không thưa ông?

- Đáng lưu ý ở chỗ là những đề xuất an ninh của Nga để đàm phán với Mỹ và các nước phương Tây đã chính thức được ra bằng dự thảo hiệp ước với Mỹ, bằng dự thảo hiệp định với NATO, và đã có ba cuộc đàm phán sơ bộ với Mỹ, với NATO và với các nước châu Âu. Thế nhưng qua ba cuộc đàm phán ấy thì phía phương Tây hoàn toàn bác bỏ những yêu cầu của Nga.

Sau đấy Nga đã có văn bản trả lời chính thức Mỹ chỉ ra những điểm đòi hỏi cốt yếu của Nga, xoay quanh ba điểm. Một là, không được kết nạp Ukraine vào NATO. Hai là, không được bố trí vũ khí tấn công trên lãnh thổ Ukraine. Ba là, phải đưa khối NATO trở về trạng thái năm 1997, tức là khi Nga và NATO ký những thỏa ước quan trọng về quan hệ giữa hai bên. Nhưng phía NATO hoàn toàn bác bỏ những đòi hỏi ấy. Nga nhận thấy có tiếp tục thương lượng nữa thì những đòi hỏi cốt yếu này cũng không được đáp ứng và chỉ thương lượng đàm phán mất thì giờ vào những vấn đề thứ yếu nên quyết định hành động.  

Thông qua những tuyên bố của TT Nga công nhận hai nước cộng hòa tự xưng là Donestk và Lugansk và tuyên bố sáng sớm ngày 24/2 cho thấy Nga hoàn toàn thất vọng với lập trường của các nước phương Tây.

Khi đã mất lòng tin chiến lược thì rất nhiều rủi ro!

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters.

Thời điểm cho cánh cửa ngoại giao

Theo ông những diễn biến tiếp theo sau khi xung đột đã nổ ra ở Ukraine sẽ như thế nào?

- Rất khó để dự đoán những diễn biến tiếp theo. Thông tin cho biết, ngày đầu tiên Nga đã triệt phá được hơn 80 cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine và kiểm soát được một số khu vực. Dự đoán của một số chuyên gia cho thấy, Nga có thể tiếp tục tấn công, đánh phá và giải phóng, chiếm kiểm soát một số vùng và kéo theo thay đổi về mặt chính quyền tại một số khu vực này. Chiến dịch này kéo dài đến đâu và với quy mô rộng đến đâu thì hiện nay vẫn còn là một ẩn số.

Phản ứng từ phương Tây cũng đã khá rõ. Thứ nhất, lên án việc Nga thực hiện chiến dịch này. Thứ hai, phối hợp đưa ra những biện pháp cấm vận trừng phạt khắt khe hơn so với trước đây đối với Nga. Và thứ ba là bày tỏ sự ủng hộ, viện trợ về tài chính và vật chất với Ukraine. Về phía NATO có biện pháp là tăng cường lực lượng ở các nước phía Đông, như điều thêm binh sĩ và vũ khí tới các nước thành viên NATO giáp Nga như là vùng Baltic và Ba Lan.

Hiện tại Mỹ và NATO chỉ giới hạn ở những mức độ mà họ đã thực hiện. Về mặt cấm vận, cho tới lúc này phương Tây vẫn chưa đưa ra hết những biện pháp, còn “chừa” khoảng nhất định để có khả năng nâng cấp lên tùy vào diễn biến chiến dịch và lập trường của Nga.

Trong những biện pháp mà ông đề cập liệu có cơ hội nào cho các giải pháp ngoại giao hay không? Và những giải pháp mới sẽ phải chuyển hướng thế nào?

 

"Sau khi đạt được những mục tiêu cơ bản của chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga có thể sẽ phát tín hiệu đối thoại."

-  Khi Nga đã khởi sự và có những mục tiêu công khai và những chiến lược sách lược không công khai thì họ phải đạt được những mục tiêu nào đấy thì mới có thể đi những bước tiếp theo về đối thoại ngoại giao.

Thách thức chính trong thời gian vừa qua, hiện nay và triển vọng sắp tới là lập trường của các bên mâu thuẫn, không có sự nhượng bộ. Những điều kiện kèm theo đối thoại thì thường rất khó thực hiện với đối tác bên kia. Ví dụ vừa qua phía Nga đã đề xuất những cam kết bảo đảm an ninh từ phía Mỹ và NATO thì bị bác bỏ. Vừa qua TT Putin đề cập đến khả năng đối thoại với Ukraine đã đưa ra những điều kiện như: kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea năm 2014 phải được công nhận, Ukraine phải cam kết không bao giờ gia nhập NATO tức là quy chế trung lập...

Đối thoại kèm theo những điều kiện không thể chấp nhận được thì không có đối thoại. Vậy nên vừa qua những cuộc đối thoại lớn, những chuyến ngoại giao con thoi, những cuộc điện đàm nhiều nhưng không mang lại kết quả. Triển vọng ngoại giao lúc này hết sức mong manh.

Tuy nhiên, trong một số diễn biến tiếp theo, ví dụ như khi Nga đạt được những mục tiêu cơ bản của chiến dịch quân sự đặc biệt: triệt tiêu được không phải toàn bộ nhưng cũng rất nhiều những rủi ro tiềm tàng của Ukraina về mặt quân sự, về mặt tạo nguy cơ cho Nga. Lúc đó Moscow có thể phát những tín hiệu đàm phán để đi tới một giải pháp, trong đó các bên sẽ đưa ra những điều kiện có phần khả thi hơn… có thể trong tương lai sẽ xuất hiện những đề xuất thương lượng và tìm kiếm giải pháp ở một vị thế nhất định của các bên sau chiến dịch quân sự đặc biệt này.

Các lực lượng Nga tiến hành cuộc tấn công theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Reuters.
Các lực lượng Nga tiến hành cuộc tấn công theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Reuters.

Vậy ông đánh giá tình hình căng thẳng hiện nay sẽ ảnh hưởng như thế nào tới kinh tế toàn cầu?

- Gần như các đánh giá đều thống nhất điểm nóng Nga - Ukraine này không khiến kinh tế thế giới rơi vào suy thoái một lần nữa. Tỷ trọng của cả Nga và Ukraine trên nền kinh tế thế giới chỉ chưa đến 2%.

Tuy nhiên, giá cả và sự ổn định của một số thị trường năng lượng, ngũ cốc, vàng – thị trường trú ẩn an toàn khi có biến động, chứng khoán sẽ thấy rõ tác động. Ngoài ra có thể ảnh hưởng tới con đường lưu thông giữa biển Đen qua lại với các vùng biển khác. Bốn nước Nga, Ukraina, Kazakhstan, Rumani là những nước xuất khẩu ngũ cốc chủ yếu, mà từ các cảng biển Đen, do đó sự căng thẳng có thể ảnh hưởng tới thị trường ngũ cốc như ngô, lúa mỳ...

Nga là nước xuất khẩu năng lượng chiếm 40% lượng khí đốt mà châu Âu cần. Nga tuyên bố không hạn chế xuất khẩu nhưng những tuyến đường ống có thể bị gián đoạn ví dụ những tuyến đi qua Ukraine sang châu Âu, hoặc Ba Lan. Ngoài ra còn có một sự ảnh hưởng nữa là do Mỹ và phương Tây cấm vận Nga, tác động tới các ngân hàng Nga và thị trường tài chính Nga cũng như sự lưu thông tiền tệ Nga với các thị trường tài chính khác cũng ảnh hưởng nhất định đến các đối tác khác.

Xin cảm ơn ông!