Sáng 27/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với các bệnh viện tuyến Trung ương và Sở Y tế các tỉnh/TP trong cả nước.
Vẫn có nguy cơ bùng phát những đợt dịch mới
Tại buổi giao ban, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực, các biện pháp phòng chống dịch. Với sự nỗ lực rất lớn của Trung ương và các địa phương, đến nay nước ta cơ bản kiểm soát được tình hình dịch tại một số ổ dịch Hải Dương, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Tuy nhiên, Quyền Bộ trưởng cũng cho hay, các chuyên gia nhận định thời gian tới đây, Việt Nam tiếp tục có ca bệnh trong cộng đồng. Vì mầm bệnh đã lây lan trong cộng đồng, do đó có thể bùng phát thành đợt mới nếu lơ là, mất cảnh giác. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh ở nước ta vừa từ bên ngoài vào vừa từ bên trong, đòi hỏi cả nước phải quyết liệt, trường kỳ hơn nữa.
“Nếu không quyết liệt nhanh chóng, tốc độ lây lan của dịch sẽ nhanh hơn sự ứng phó của chúng ta. Do đó, nước ta phải khoanh vùng nhanh gọn, truy vết thật nhanh, cách ly triệt để nhằm đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng một cách nhanh nhất. Chúng ta kiên định việc cách ly F1 tập trung để tránh lây lan dịch bệnh, do đó các địa phương cũng cần quán triệt thực hiện việc này” - Quyền Bộ trưởng nói.
Theo Quyền Bộ trưởng, đối với ngành y tế lần này, việc phòng chống dịch sẽ khó khăn vì Việt Nam thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Đòi hỏi lực lượng y tế phải nỗ lực gấp 2 gấp 3 trong công cuộc phòng chống dịch.
Lắng nghe ý kiến thảo luận, trao đổi từ các địa phương và từ thực tiễn phòng chống dịch, Quyền Bộ trường cho rằng, từ những bài học kinh nghiệm của Đà Nẵng, Hải Dương, Hà Nội... mỗi địa phương phải rà soát, kiểm tra lại tất cả các hoạt động. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh theo 8 vấn đề:
Thứ nhất, rà soát thực hiện các quy định chống dịch
Bộ Y tế đã có nhiều hướng dẫn chuyên môn, khoảng trên 50 hướng dẫn đến thời điểm này, đề nghị Sở Y tế các địa phương phải rà soát lại hệ thống hướng dẫn này và báo cáo lãnh đạo cấp ủy, Ban Chỉ đạo của địa phương để triển khai thực hiện, phổ biến và giám sát.
“Chúng tôi lo ngại vụ dịch vào mùa Đông Xuân sẽ khó khăn hơn, điều kiện thời tiết và môi trường ẩm nên virus sẽ lan nhanh. Nếu xảy ra tình huống có hàng trăm ca mắc trong một thời điểm tại một địa điểm thì xử lý ra sao? Do đó, chúng ta phải luôn đặt ra tình huống nếu dịch xảy ra tại công sở, khu công nghiệp, bệnh viện thì xử lý như thế nào? Các địa phương cần ngay lập tức rà soát lại các kịch bản, tình huống chống dịch của địa phương và luôn nghĩ đến tình huống có ca bệnh trên địa bàn để chủ động với mọi tình huống, nhanh chóng khoanh vùng, cách ly, dập dịch, tránh lây lan rộng”- Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế đặc biệt lưu ý đến vấn đề tuân thủ nghiêm những quy định về cách ly, tuyệt đối không để người đang đợi kết quả xét nghiệm lần 2 được phép ra khỏi khu cách ly tập trung. Người ra khỏi khu cách ly phải tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nhà trong 14 ngày.
Đồng thời các địa phương cũng phải đảm bảo tuân thủ việc quản lý, giám sát các chuyên gia nhập cảnh trong công tác cách ly. Tuân thủ cách ly triệt để, đúng theo quy định hiện hành về thời gian cách ly 14 ngày.
Thứ 2, tăng cường năng lực xét nghiệm
Song song với đó, các địa phương cần tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm PCR. Lãnh đạo Bộ Y tế đã giao Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tổ chức tập huấn ngay cho các địa phương trong công tác xét nghiệm bằng phương pháp ELISA. Do Việt Nam hiện đã sản xuất được kit ELISA có độ nhạy tương đối cao.
Bộ Y tế đánh giá cao Hải Phòng vừa qua đã xét nghiệm song song cả PCR và ELISA để xem có mầm bệnh trong cộng đồng hay không, điều này rất quan trọng.
Thứ 3, thực hiện khai báo tại các cơ sở y tế
Quyền Bộ trưởng cũng quán triệt việc thực hiện khai báo y tế tại các cơ sở y tế. Trong đó, nếu có điện thoại thông minh phải thực hiện ngay cài đặt Bluzone, NcoV, trong trường hợp nếu không có điện thoại thông minh thì khai báo bằng giấy. Các bệnh viện dựa trên điều kiện địa phương và năng lực của mình để áp dụng hình thức khai báo phù hợp tạo thuận lợi cho người bệnh, người nhà bệnh nhân.
Thứ 4, bảo đảm bệnh viện an toàn
Để bảo vệ các cơ sở y tế đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải tăng cường tập huấn cho cán bộ, song song tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế thực hiện các yêu cầu về an toàn trong phòng chống dịch Covid-19.
Qua đó, Bộ Y tế hoan nghênh Hà Nội đã dừng hoạt động của 3 bệnh viện không đáp ứng yêu cầu đảm bảo bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch. Đối với các địa phương khác cũng phải kiên quyết như vậy. Bộ Y tế cũng đặc biệt lưu ý bệnh viện nào cũng có khả năng bị Covid-19 xâm nhập, những bệnh viện tưởng chừng như không có khả năng bị như sản, nhi... thì càng cần phải lưu tâm, tránh lơ là.
“Nếu cơ sở y tế nào không đảm bảo an toàn thì dừng hoạt động ngay, nếu tiếp tục để xảy ra vi phạm thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu, bất kể đó là bệnh viện công hay tư. Không để tình trạng vì một sơ xuất mà phải đóng băng cả bệnh viện” - Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ 5, bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế
Các bệnh viện cũng phải tăng cường lấy mẫu xét nghiệm nhân viên y tế tại các khoa trọng điểm như cấp cứu, hồi sức, khám bệnh, thận nhân tạo... Vì đây là nguồn lây bắc cầu. "Chúng ta phải bảo vệ nhân viên y tế ở mức cao nhất thì mới có thể ứng phó với dịch bệnh" - Quyền Bộ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh, các trường hợp bệnh nhân có yếu tố dịch tễ sốt, ho, khó thở cũng phải lưu ý lấy mẫu xét nghiệm.
Riêng đối với khoa thận nhân tạo, các bệnh viện phải có kịch bản rõ ràng để xử lý việc chuyển bệnh nhân đến các khu vực khác khi xuất hiện ca bệnh dương tính.
Thứ 6, tập huấn phòng chống dịch cho nhân viên y tế
Các bệnh viện phải đẩy mạnh việc tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế trong phòng chống dịch. Tuyệt đối không để thiếu hụt trang thiết bị phòng hộ chống dịch cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng phải quán triệt đảm bảo chất lượng điều trị cho người bệnh. GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý đến vấn đề bảo vệ người yếu thế, người nhà, người có bệnh nền..., tuân thủ sàng lọc, cấp phát thuốc 3 tháng theo quy định.
Thứ 7, xử lý các trường hợp người Việt Nam xuất cảnh nước ngoài có kết quả dương tính
Liên quan đến việc người Việt Nam xuất cảnh sang các nước có kết quả xét nghiệm dương tính, nhưng xét nghiệm F1 ở trong nước lại âm tính, hiện Bộ Y tế đã giao Cục Y tế dự phòng liên hệ với các cơ quan đầu mối y tế quốc tế nước bạn để tìm hiểu thêm thông tin. Tuy nhiên ở mức độ cảnh giác cao, nước ta tiến hành ngay việc khoanh vùng, cách ly các trường hợp F1, F2 để tránh những tình huống lây lan dịch bệnh...
Thứ 8, chủ động mua sắm vật tư chống dịch, tuân thủ đúng quy định
Đối với vấn đề mua sắm vật tư chống dịch, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương chủ động, ngay bây giờ phải mua sắm để đảm bảo trang thiết bị chống dịch từ nay đến cuối năm, đầu năm sau. “Việc mua sắm vật tư thiết bị chống dịch phải tuân thủ theo quy định”- Quyền Bộ trường lưu ý.