Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia nước ngoài “hiến kế”

Minh Tuấn ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với nhiều đô thị lớn trên thế giới, Hà Nội đang muốn tăng tốc thực hiện dự án xây dựng thành phố thông minh để Thủ đô để trở thành một đô thị hiện đại và đáng sống. Trong quá trình đó, việc tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến là điều cần thiết. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, một số nhà ngoại giao, chuyên gia và DN nước ngoài đã có những nhận định về khả năng và triển vọng xây dựng đô thị thông minh của Hà Nội.

 
Đại sứ Vương quốc Nauy tại Việt Nam Grete Løchen: Cần sự tham gia của nhiều phía

Tại buổi hội kiến với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tháng 12 năm ngoái, chúng tôi rất vui mừng khi được biết TP có mong muốn triển khai kế hoạch chính phủ điện tử, với tầm nhìn xây dựng đô thị thông minh. Kinh nghiệm từ Nauy cho thấy, có nhiều yếu tố góp phần xây dựng thành công đô thị thông minh như chính phủ số hóa, năng lượng thông minh, tài nguyên thông minh và vận tải thông minh. Cần sự tham gia của nhiều phía như Chính phủ, DN và công dân. Đô thị thông minh cần đến con người thông minh.

Trong quá trình này, Chính phủ cần thể hiện vai trò tạo lập khuôn khổ pháp lý và chính sách kiến tạo. Trong khi đó, khu vực tư nhân sẽ đảm nhiệm việc sáng tạo và tạo ra các giải pháp kỹ thuật hiệu quả. Tôi tin rằng, Nauy và các DN Nauy, nhất là các DN công nghệ cao có thể chia sẻ nhiều về kinh nghiệm, kiến thức và công nghệ với Việt Nam.
 
Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào Denis Brunetti: Chú ý tới cải cách thể chế, hành chính

Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đóng vai trò nền tảng trong việc xây dựng đô thị thông minh, giúp tạo ra tăng trưởng GDP bao trùm thông qua kết hợp dữ liệu, tính kết nối và sáng tạo, cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng di động cho mọi người, ở bất kỳ khu vực nào.

Nhờ các công ty ICT, Hà Nội có cơ sở hạ tầng ICT rất phát triển, nhất là hạ tầng 4G. Nhiều nhà mạng sẽ triển khai mạng 4G băng thông hẹp vào năm 2019 và mạng 5G kể từ năm 2020. Từ đó, Hà Nội có điều kiện rất thuận lợi để trở thành một đô thị thông minh, nhờ việc tận dụng tốt năng lực của công nghệ 4G, việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và các sáng kiến startup, cải thiện công tác Giáo dục dạy nghề và học tập suốt đời với trọng tâm là khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học (STEM) và Khoa học Dữ liệu. Ngoài ra, cũng cần chú ý tới cải cách thể chế, hành chính và khuôn khổ luật pháp để giúp phát triển đô thị thông minh.
 
Bí thư thứ hai, Trưởng phòng Kinh tế Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam Björn Savlid: Sẵn sàng hợp tác với Hà Nội

Thụy Điển là nước đi đầu trong việc xây dựng đô thị thông minh và bền vững. Trong những thập kỷ qua, Thụy Điển đã thành công trong việc kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế nhanh và giảm thải các-bon, giảm tai nạn giao thông và cải thiện chất lượng sống. Điều này là nhờ vào sự hợp tác với các DN Thụy Điển sáng tạo như Volvo Buses và Scania, Ericsson, Axis Communications và ABB. Những công ty này cũng đang hoạt động tại Việt Nam.

Chính phủ Thụy Điển và các công ty của mình sẵn sàng hợp tác với Hà Nội để hỗ trợ TP xây dựng đô thị thông minh với tiêu chuẩn toàn cầu.
Tổng Giám đốc Tập đoàn ABB Việt Nam Brian Hull: Tập trung xây dựng hạ tầng chủ chốt

Để hướng tới đô thị thông minh, Hà Nội cần nhận biết người dân mong đợi gì. TP đã đạt nhiều thành tích kinh tế và đóng góp lớn cho GDP cả nước. Dân số và tầng lớp thu nhập trung bình của TP gia tăng, kéo theo tốc độ đô thị hóa cao. Do đó, trong định hướng xây dựng đô thị thông minh, Hà Nội cần giải quyết các vấn đề nổi lên từ quá trình đô thị hóa nhanh này, như ô nhiễm, cung cấp nước sạch, xử lý rác thải hay ùn tắc giao thông.
 
Là thủ đô, Hà Nội có các điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị thông minh như: Thu hút lượng lớn FDI; là đầu mối vận chuyển hàng hóa của các tỉnh phía Bắc; có nguồn lực để đầu tư thêm cho cơ sở hạ tầng giao thông. Ngoài ra, TP có dân số trẻ và có tỷ lệ sử dụng internet cao, lực lượng lao động có trình độ có tiềm năng phát triển các ngành công nghệ cao mà không cần sử dụng đến quỹ đất lớn và cũng phù hợp với một TP có mật độ xây dựng cao.

Hạ tầng thông minh là nền tảng cần thiết cho bất kỳ đô thị thông minh nào. Do đó, tôi cho rằng Hà Nội trước hết nên tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng chủ chốt mang tính kiến tạo như: Trung tâm dữ liệu thông minh, mạng lưới điện và nước thông minh, các giải pháp quản lý giao thông thông minh, tòa nhà thông minh để giảm thiểu tác động môi trường, các khu sạc cho xe điện để giảm ô nhiễm. Tất cả các yếu tố trên sẽ giúp cải thiện cuộc sống của người dân và minh chứng cho lợi ích của việc sống tại đô thị thông minh.