Hội thảo có sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII ban hành năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền các cấp và nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô. Các chính sách, cơ chế quy định trong Luật đã góp phần giúp thành phố đạt được một số thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, mặt khác cũng đã bộc lộ một số tồn tại và yêu cầu mới trong bối cảnh mới. Do đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô là việc hết sức cần thiết.
Ông Lê Xuân Rao mong muốn, thông qua hội thảo, các chuyên gia tham vấn ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô theo hướng làm rõ tính vượt trội, đặc thù để Thủ đô phát triển đột phá trong các cơ chế, chính sách đặc thù về công tác tổ chức cán bộ, thu hút, trọng dụng nhân tài, xây dựng, kiến trúc… Làm sao để Luật vừa bảo đảm tính khả thi, vừa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đều thống nhất với việc bổ sung, sửa đổi, thêm một số điều liên quan đến 9 nhóm chính sách lớn mà Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều quy định trong Dự thảo Luật không đồng bộ, không thống nhất với các quy định của các luật hiện hành, như quy định về số lượng đại biểu HĐND; số lượng, cơ cấu thành phần Thường trực HĐND TP Hà Nội; về bỏ HĐND cấp phường; về thành phố thuộc Thành phố; về chính quyền cấp huyện, xã; về phát triển khoa học và công nghệ; phát triển y tế Thủ đô.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng góp ý vào chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Cụ thể, Hà Nội cần có chính sách mới cấp thị thực (visa) hay nhập tịch nhanh cho người gốc Việt hay người nước ngoài được trọng dụng vào làm việc tại Hà Nôi.
Đối với chính chính sách bảo vệ môi trường, nên đưa vấn đề này vào văn bản Luật một số quy định như về quy hoạch lập vùng lõi đô thị và các vùng nội đô và vùng ngoại vi đô thị, với phạm vi của từng vùng sẽ do HĐND TP Hà Nội quy định. Xây dựng tiêu chuẩn môi trường áp dụng cho các vùng lõi đô thị, vùng nội đô và vùng ngoại vi đô thị để làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý và phát triển các hình thức giao thông phù hợp...
Kết thúc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao hoan nghênh các đề xuất, kiến nghị tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học với Thành phố. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội sẽ tổng hợp để để gửi tới các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét.