Danh thắng Đèo Ngang, nơi có núi cao và biển trời một màu xanh biếc. Thiên nhiên kiến tạo, một vùng non nước Hoành Sơn hùng vĩ, thơ mộng, đẹp đến nao lòng. Ngay trên đỉnh Đèo Ngang có di tích lịch sử Hoành Sơn Quan sừng sững, uy nghiêm, người bản địa vẫn quen gọi là “Cổng Trời”.
Theo sử sách ghi chép, di tích này được xây dựng từ năm 1833 thời vua Minh Mạng, triều Nguyễn nhằm mục đích kiểm soát người qua lại. Trải qua hàng trăm năm, dưới tác động của tự nhiên, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, vậy nhưng kiến trúc di tích Hoành Sơn Quan vẫn còn khá nguyên vẹn, là địa điểm mà người dân, du khách thường ghé thăm.
Điều đặc biệt mỗi khi đặt chân đến nơi này, mọi người dễ dàng trông thấy một túp lều đơn sơ ngay bên cạnh di tích cổ. Đây là nơi sinh sống của cụ bà Nguyễn Thị Ngùy, gần 90 tuổi (quê ở xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).
Mặc dù nghe kể về cụ bà “ăn cơm nhà, làm việc thiện” đã lâu, nhưng đến giữa tháng 4/2022, chúng tôi mới có dịp ghé thăm để tìm hiểu về con người đặc biệt này.
Theo lời kể của cụ Ngùy, hơn 20 năm qua, một mình cụ tình nguyện đến nơi này trông nom, giữ gìn di tích cổ và nhang đèn, thờ cúng tại miếu thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh được lập trên đỉnh đèo (tương truyền, miếu thờ này chính là nơi Thánh mẫu Liễu Hạnh giáng thế đầu tiên).
Cụ Ngùy có 6 người con 4 gái 2 trai. Ngày trước, gia đình cụ sống bằng nghề nông, lúc nhàn rỗi cụ cùng chồng lên đốn củi trên dãy Hoành Sơn để kiếm thêm thu nhập. Cơ duyên cụ đến đỉnh Hoành Sơn dựng lều tạm sinh sống vì giữ lời hứa với chồng trước lúc cụ ông mất.
Ánh mắt xa xăm, cụ Ngùy bồi hồi kể lại: Vào những năm 80 của thế kỷ trước, lúc đó di tích Hoành Sơn quan còn khá hoang vu, cây cối, cỏ dại mọc um tùm. Xót xa trước di tích cổ, chồng cụ là cụ ông Bùi Đức Bản đã thường xuyên lui tới dọn dẹp, giữ gìn di tích. Thế là từ đó, cụ ông vẫn ngày ngày lên đỉnh Hoành Sơn, còn cụ bà ở nhà lo việc nhà cửa, đồng áng.
Đến năm 2000, cụ ông lâm trọng bệnh rồi qua đời, trước khi mất cụ có nhắn nhủ rằng: “Tôi đi rồi, bà cố gắng lên đó nhang đèn cho mẹ và trông nom Cổng trời giúp tôi, kẻo hoang vu, lạnh lẽo lắm…”. Thấy việc làm có ý nghĩa và theo tâm nguyện của chồng, từ đó cụ Ngùy lặn lội gần chục cây số lên di tích để quét dọn, sửa sang, thắp nhang đèn. Sau này, do tuổi cao, sức khỏe yếu nên cụ quyết định dựng căn lều nhỏ sống bên cạnh Hoành Sơn Quan.
Trò chuyện với cụ Ngùy, chúng tôi mới thấu hiểu được những tâm huyết, trách nhiệm, tấm lòng thành kính tri ân có một không hai của cụ với các bậc nhân thần và những người có công xây dựng di tích lịch sử Hoành Sơn Quan.
Tuy tuổi đã cao nhưng dáng người cụ Ngùy vẫn thoăn thoắt, nhanh nhẹn, giọng nói trầm ấm, rõ ràng. Nhờ có bàn tay chăm sóc, phụng thờ hương khói của cụ mà di tích Hoành Sơn Quan cổ kính, linh thiêng luôn sạch đẹp, mở lối cho du khách thập phương đến tham quan, khám phá.
Dạo một vòng quanh túp lều cụ sống, đó là một căn lều chỉ rộng khoảng 20m2, cao chừng 3m, được quây xung quanh bằng mái tôn khá đơn sơ, phủ màu hoen gỉ. Vật dụng bên trong chỉ là chiếc giường nhỏ bằng gỗ (cụ bảo được người ta tặng) cùng vài bộ quần áo, vài ba chiếc nồi và một vài vỏ bình nước uống…
Sống một mình nên việc ăn uống của cụ Ngùy cũng khá giản đơn, bữa ăn chỉ có cơm, rau, cháo... Khi cần gì thì cụ sẽ nhờ các anh Bộ Đội trạm Radar đóng quân gần đó mua giúp. Cũng vì thương cụ nên các anh thường xuyên lui tới thăm nom, giúp đỡ, động viên cả vật chất lẫn tinh thần.
Đèo Ngang - một tiểu vùng khí hậu. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, ngày nắng thì bỏng rát gót chân, lúc chuyển mùa thì gió sương giăng mắc. Dù cuộc sống, sinh hoạt khá khó khăn, chật vật, nhưng đổi lại cụ vẫn rất vui vẻ.
Khi được hỏi rằng tại sao cụ lớn tuổi rồi mà không ở nhà để sum vầy cùng con cháu, cụ cười bảo “Tôi sống như vậy đã quen rồi, một mình thoải mái, không phiền đến ai. Mà quan trọng là tôi sống ở đây để trông nom “Cổng trời” và nhang đèn cho mẹ Liễu Hạnh. Con cháu nhớ thì lên đây thăm tôi, hay hôm nào có việc gì cần sẽ đón tôi về nhà. Về rồi, tôi lại lên đây ở.”
Theo cụ Ngùy, ngày nay Hoành Sơn Quan không còn hoang vu, tĩnh mịch như trước nữa. Bởi nơi đây, nhất là dịp mùa Hè người dân, du khách thường xuyên đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Nhiều người thấy tấm lòng của cụ, đôi lúc gửi lại ít tiền để nhang đèn, hương khói và để cụ bồi dưỡng sức khỏe. “Ngoài việc mua nhang, đèn, tôi còn dành dụm tiền để sửa sang, tu bổ di tích” cụ Ngùy phấn khởi nói.
Tuy trông cụ khỏe mạnh, nhưng chúng tôi vẫn lo lắng khi cụ ở một mình lỡ đau ốm, bệnh tật không được ai chăm lo. Chúng tôi hỏi cụ có điều gì còn trăn trở không. Cụ tâm sự “Tuổi tôi cũng đã cao rồi, sống chừng được vài ba năm nữa. Mong muốn là sau này khi tôi mất sẽ có người lên đây thay tôi để trông nom, giữ gìn di tích cổ. Còn bây giờ, tôi còn sức khỏe tôi vẫn sống ở đây!”.
Chia tay cụ Ngùy lúc trời chập tối, khi bóng mặt trời dần khuất sau dãy núi Hoành Sơn hùng vĩ. "Trèo đèo hai mái chân vân/Lòng về Hà Tĩnh dạ ái ân Quảng Bình", khoảnh khắc đó tôi càng cảm nhận, thấu hiểu và trân quý một con người đặc biệt cùng túp lều nhỏ bên cạnh “Cổng trời”.