KTĐT - Khuyết tật bẩm sinh của cô gái - dù hiếm - cũng không khiến các bác sĩ ngạc nhiên, mà chính là tình trạng mang thai của cô. Thậm chí thiếu nữ này còn không tin mình có thai.
Câu chuyện kỳ lạ về ca có thai qua đường miệng sau khi bị đâm này đã mở ra ánh sáng về khả năng tồn tại dai dẳng của tinh trùng.
Năm 1988, một cô gái 15 tuổi sống ở ngôi làng nhỏ của quốc gia nam Phi Lesotho đến gặp bác sĩ với đủ mọi triệu chứng của một phụ nữ sắp sinh. Nhưng, bác sĩ vô cùng kinh ngạc khi các kiểm tra cho thấy cô gái không có âm đạo.
"Kiểm tra âm hộ cho thấy không hề có âm đạo, mà chỉ là một vùng trũng trên da", vì thế bác sĩ đã mổ đẻ, đưa ra ngoài một bé trai khỏe mạnh. Ca sinh nở lạ lùng này được công bố trên tạp chí Obstetrics and Gynaecology (Anh).
Khuyết tật bẩm sinh của cô gái - dù hiếm - cũng không khiến các bác sĩ ngạc nhiên, mà chính là tình trạng mang thai của cô. Thậm chí thiếu nữ này còn không tin mình có thai.
Lật lại hồ sơ, các nhân viên bệnh viện biết rằng thiếu nữ này đã nhập viện 278 ngày trước đó, với một vết dao đâm trên bụng. Thời gian mang bầu trung bình kéo dài 280 ngày. Sau khi phỏng vấn, họ kết luận rằng "ngay trước khi cô gái bị đâm vào bụng, cô đã mút dương vật của người bạn trai mới, và bị người tình cũ bắt gặp. Cú đâm xảy ra ngay sau đó".
Cô gái đến bệnh viện trong tình trạng đói, và do đó có rất ít axit trong dạ dày. Nhờ thế, bác sĩ tìm thấy hai lỗ thủng từ vết đâm đã khiến dạ dày thông với khoang bụng. Các bác sĩ đã rửa dạ dày bằng dung dịch muối và khâu vết thương lại.
"Lời giải thích khả dĩ nhất cho ca mang thai này là tinh trùng mà cô gái nuốt vào đã tới được cơ quan sinh sản thông qua vết thương trên đường tiêu hóa", các tác giả viết.
Các chuyên gia sinh sản cho biết câu chuyện này là minh chứng cho khả năng kỳ diệu của một trong những "tay bơi" nhanh nhẹn nhất trong tự nhiên: tinh trùng.
Nhưng bằng cách nào tinh trùng có thể sống sót khi đi trong ống tiêu hóa?
"Đây là kết quả của một chuỗi các sự trùng hợp ngẫu nhiên không thể tin được. Nhưng nó vẫn hoàn toàn hợp lý", tiến sĩ Richard Paulson, giám đốc Chương trình sinh sản Đại học Southern California ở Los Angeles (Mỹ) nhận định.
Mặc dù tinh trùng cần môi trường có tính axit thấp (pH cao) để sống sót, và có thể chết vì môi trường axit cao trong dạ dày, nhưng tinh trùng vẫn được bao bọc với một dung dịch bảo vệ.
"Và nếu trong số hàng trăm triệu tinh trùng được nuốt vào, dù có loại bỏ 90% trong số đó, bạn vẫn còn lại hàng chục triệu tinh trùng", một chuyên gia khác lý giải.
Một khi đã vào trong bụng, tinh trùng có thể sống sót vài ngày. "Đó là một hành trình dài từ dạ dày xuống đến bụng dưới, một mê cung, nhưng chúng làm được điều đó. Bạn chỉ cần tinh trùng có mặt ở đâu đó gần quả trứng mà thôi". Và theo giải thích của chuyên gia này, tinh trùng có thể bị lọt vào vòi trứng, rồi được thụ tinh ở đó.
Thậm chí thời kỳ đầu của kỹ thuật điều trị vô sinh thập kỷ 1980, các bác sĩ còn tiêm tinh trùng vào vùng bụng dưới để hy vọng chúng sẽ ngẫu nhiên gặp trứng. Tuy nhiên phương pháp này ngày nay đã được thay thế bằng những cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, một vài bác sĩ khác nghi ngờ tính trung thực của câu chuyện này. Vào tuổi 15, hầu hết các cô gái đã đau bụng kinh vài lần, và nếu không có âm đạo để dịch thoát ra ngoài, bụng cô gái sẽ chứa đầy các dịch kinh ứ đọng, khiến cho việc có thai là rất khó xảy ra.
"Cô ấy sẽ phải đau đớn suốt thời gian đó, và có cái bụng đầy máu, đến mức phải phẫu thuật hoặc nếu không sẽ chết", tiến sĩ Sherman J. Silber, giám đốc trung tâm sinh sản ở bệnh viện St. Luke's, bang Missouri, nhận định.
Trước lập luận này, các tác giả của báo cáo phỏng đoán rằng việc thụ thai có thể xảy ra khi cô gái mới rụng trứng một lần, hoặc nhiều nhất là hai lần trước khi có thai.