MIÊU
Lọ vằn sinh bởi mãi phương tây
Phụng sự Như Lai trộm phép thầy
Hơn chó được ngồi khi diện bếp
Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây
Đi nào kẻ cấm buồng the kín
Ăn đợi ai làm bàn soạn đầy
Khó lẫn sang chăng nỡ phụ
Vì chưng hận chuột phải nuôi mày.
Điều thú vị đầu tiên là từ sáu thế kỷ trước, chú mèo mướp cũng đã từng được gọi là “vằn” hoặc “lọ vằn”. Chữ “vằn” xuất hiện 2 lần trong 254 bài thơ của Nguyễn Trãi. Ngay bài Thủ vĩ ngâm mở đầu tập thơ ta đã gặp ở câu 5 và câu 6: Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá/ Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn. Có người giải thích “vằn” ở đây là chó vện nhưng chắc là không đúng. Nhà “thú thứa” là nhà xuềnh xoàng của “lều một gian”, của cảnh “no nước uống thiếu cơm ăn” như trong bài thơ viết. Đến cả con vật ăn ít như mèo mà cũng không đủ cơm mà “ngại nuôi”. Nam thực như hổ, nữ thực như miêu mà. Ở câu này, chữ “vằn” đứng riêng chỉ tên vật nuôi.
Chữ “vằn” thứ hai lại nằm hẳn trong bài thơ về mèo nhưng có thêm chữ “lọ”. Chữ “lọ” này thì được các từ điển ghi từ sớm như Việt Bồ La (1651) với ngữ liệu lọ nồi, lọ nồi, hoặc Taberd (1838) ghi các ngữ liệu lọ ngẹ, lọ nồi, lọ lem. Chữ này chắc chắn có nguồn gốc từ chữ LÔ (có cách phát âm là “lự” với dấu nặng) phát âm Hán Việt với nghĩa là màu đen, vệt đen.
Tập thơ Quốc âm thi tập là thành tựu lớn nhất của thơ Nôm Việt Nam vào thời kỳ đầu xây dựng văn chương tiếng Việt. 254 bài thơ với độ dài văn bản mà chúng tôi đếm được là 12.458 chữ, trong đó, Ức Trai đã dùng đến 1849 chữ đơn, một hệ số định lượng cao nhất so với nhiều nhà thơ khác, chứng tỏ tri thức văn hóa rộng lớn, mối quan tâm đến mọi mặt của đời sống xã hội của thi hào trác việt này. Trong một bài thơ 56 chữ gọn gàng, cùng lúc đã dồn tụ nhiều tri thức văn hóa của Nguyễn Trãi. Chúng ta nói, mỗi bài thơ là một sự tri nhận văn hóa chính là vì như thế.
Hai câu đầu của bài thơ Miêu kể nguồn gốc chú mèo, được xuất phát từ tri thức am hiểu Phật học của Nguyễn Trãi. “Phương Tây” còn được gọi là Tây Trúc, quê hương của Đức Phật. “Như Lai” là một trong 10 danh hiệu tôn xưng Đức Phật “còn cách gọi thứ hai (Như Lai) thì có nghĩa là từ chân lý mà đến (như thực mà đến) và thành Chính giác, cho nên gọi là Như Lai” (Phật quang đại từ điển).
Quan sát về biểu tượng mèo trong một số kinh sách nhà Phật ta nhận thấy có một số nghĩa như sau để tham khảo thêm: Trong thuyết luân hồi và nghiệp chướng, khi nói về thác sinh của những ai hành nghề kẻ trôm, khi chết sẽ hóa thân thành rắn, rết, chồn và… mèo. Có lẽ ở đây sự mềm mại, bí mật khi di chuyển trong đêm tối đã được nhân cách hóa trong tư duy vật linh luận.
“Miêu cước lễ bàn”: Tòa thiền định của các nhà sư có khắc hình 4 bàn chân mèo ở bốn góc. Đây là loại tòa có sớm trong Phật giáo, trước khi “tòa sư tử” được thịnh hành. “Lễ bàn” được giải nghĩa là “chỗ tòa cao để ngồi lễ Phật hay thuyết pháp”. Có lẽ hình ảnh này gợi ý cho mấy chữ “phụng sự Như Lai” trong bài thơ. Ba chữ “trộm phép thầy” có nhiều cách hiểu: học được pháp nhà Phật một cách không chính thức (trộm) nhờ có công phụng sự đức Phật; không xin phép nhà sư trụ trì (trộm) mà vẫn có thể đi lại dễ dàng chốn tam bảo để học pháp.
Hơn chó được ngồi khi diện bếp
Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây
Hai câu thơ được tri nhận từ hai câu truyện cổ dân gian Việt Nam. Đó là chuyện Chuột và Mèo và chuyện Mèo dạy võ cho Hổ.
“Khi diện bếp” là khi ngồi trước mặt bếp. Chữ “diện” Hán Việt xưa, ngoài nghĩa danh từ là “mặt” thì nghĩa động từ của nó là “ngoảnh về, hướng về” hoặc là “trưng ra mặt ngoài”. Nguyễn Trãi đã dùng nghĩa này theo cách cấu tạo từ tiếng Việt. Cách dùng theo động từ của Nguyễn Trãi ngày nay ít có nhưng còn sót lại trong tiếng Việt khi ta nói “diện quần áo mới đi phố”. Cũng chính là chữ “diện” ấy cả.
Chuyện Chuột và Mèo kể rằng, cả hai con vốn là thần trên thiên đình. Một vị được giao giữ kho nhưng chuyên trộm cắp, phá nát đồ đạc nên bị vua Trời đày xuống trần gian làm kiếp chuột. Tuy nhiên thì chứng nào vẫn tật ấy, nhân gian khốn khổ về nó. Thần Bếp thương dân nghèo nên đem chuột lên trả lại. Vua Trời bèn biến một vị thần khác thành mèo xuống để bắt chuột. Mèo rất mẫn cán tiêu diệt loài phá hoại nhưng cũng rất chán thần Bếp vì bị mang kiếp mèo. Thành thử, mèo yêu cầu là được quyền nằm bếp và thỉnh thoảng còn… ị cả vào tro bếp. Vì thế, khi chó vào bếp thì bị đuổi, còn mèo thì thoải mái.
Chuyện Mèo dạy võ cho Hổ có tính ngụ ngôn rất rõ. Chuyện kể rằng hổ vốn không có kỹ năng võ như rình, nhảy, vồ, chụp, tát, cắn xé… liền đến nhà mèo xin học các miếng võ đó. Mèo nể tình đồng tộc nên nhận dạy. Nhưng vì thấy hổ đã khỏe mạnh lại có tướng phản thầy nên giữ lại miếng trèo cây là không dạy. Quả thật, một hôm hổ đói liền đuổi chụp mèo để chén thịt. Mèo ta liền leo tuốt lên cây cao mặc cho hổ loanh quanh dười gốc mà gầm gừ bất lực.
Đi nào chẳng quản buồng the kín
Ăn đợi ai làm bàn soạn đầy.
Cũng từ chuyện Mèo và Chuột, khi mèo chịu giáng trần để trừ hại cho dân liền ra điều kiện là có thể đi lại tùy thích trong ngôi nhà của dân để rình bắt chuột, bất kể đó là chốn phòng the của phụ nữ cần kín đáo nghiêm cẩn. Cũng như khi cho mèo ăn thì người ta phải bày lên đĩa cẩn thận chứ không đổ ra đất như cho chó ăn. Đó là quyền của mèo.
Bài thơ kết thúc bằng hai câu:
Khó lẫn sang, chăng nỡ phụ
Vì chưng hận chuột phải nuôi mày.
Chúng ta nhớ đến câu tục ngữ dân gian “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”. Các cụ xưa giải thích đơn giản là mèo thường kêu “nghèo! nghèo!” còn chó sửa “gâu! gâu!” gần với “giàu! giàu!”. Tuy nhiên, không vì thế mà chấp nhất như vậy, dù là nghèo hay giàu (khó lẫn sang) thì ai ai cũng đều nuôi mèo vì “hận chuột” phá hoại mà nuôi mèo trong nhà mình.