Chuyển nền hành chính từ “quản lý” sang “phục vụ”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong giao dịch hành chính” là chủ đề...

Kinhtedothi - "Tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong giao dịch hành chính” là chủ đề buổi Giao lưu - Tọa đàm trực tuyến do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức ngày 24/12, giao lưu với bạn đọc về những kết quả nổi bật cũng như các giải pháp đột phá trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của Thủ đô thời gian tới.

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo

Thực hiện Chương trình 08 của Thành ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011 - 2015”, Sở Nội vụ với chức năng là cơ quan tham mưu cho TP về công tác CCHC đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và thực tế TP đạt kết quả khá toàn diện.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Ngô Anh Tuấn phát biểu tại buổi giao lưu.   Ảnh: Văn Chiến
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Ngô Anh Tuấn phát biểu tại buổi giao lưu. Ảnh: Văn Chiến
Trong đó, một số kết quả đáng khích lệ như: Sở KH&ĐT đã giúp rút ngắn thời gian, giảm bớt lượt đi lại của DN trong hoạt động đăng ký kinh doanh; Đề án “Thí điểm áp dụng cơ chế một cửa trong cung cấp dịch vụ công (DVC) ở một số đơn vị sự nghiệp công lập và DN Nhà nước” tại Công ty TNHH MTV Nước sạch số 2 Hà Nội và Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, giúp giảm đáng kể thời gian giải quyết, số lần đi lại của công dân... “Công tác CCHC được triển khai trên địa bàn toàn TP, được áp dụng trên mọi phương diện và đạt được kết quả khả quan cũng nhờ sự đóng góp của mọi người dân và các cơ quan liên quan” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn khẳng định.

Sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thuộc TP là “thước đo” cuối cùng và chính xác nhất về CCHC. Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội - cơ quan chủ trì điều tra xã hội học về vấn đề này chia sẻ: Gần đây, TP đặc biệt quan tâm đến công tác CCHC với một triết lý quan trọng là chuyển từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”. Qua khảo sát sự hài lòng của người dân với dịch vụ hành chính công vừa tiến hành cho thấy, dịch vụ cấp CMND được hài lòng nhất với tỷ lệ 91,33%, song vẫn còn dịch vụ như cấp “sổ đỏ” mới đạt 71,16%... “Việc khảo sát sự hài lòng của người dân nên tiến hành thường xuyên nhằm kịp thời đánh giá hiệu quả của các DVC để kịp thời có điều chỉnh, nâng cao chất lượng một cách thực chất” - ông Bình nhấn mạnh.

Tạo thuận lợi cho công dân là mục tiêu cao nhất

Nổi bật trong các quận, huyện về công tác CCHC, quận Nam Từ Liêm năm 2015 đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp về thực hiện liên thông “cấp giấy khai sinh, hộ khẩu thường trú, thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi”, qua đó giảm đi lại của người dân từ 6 lần còn 2 lần, thời gian giải quyết từ 27 ngày còn 5 - 7 ngày. Nam Từ Liêm được Sở Nội vụ xếp là 1 trong 2 quận, huyện đứng đầu TP về CCHC năm 2015. Để áp dụng “Chỉ số đánh giá kết quả CCHC” từ đầu năm 2016, Phó Chủ tịch UBND quận Trần Thanh Long cho biết: Cùng với trang bị đầy đủ cho bộ phận một cửa, năm 2016, quận sẽ đưa vào hệ thống đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính tại bộ phận này, nhằm giúp lãnh đạo quận giám sát đội ngũ cán bộ làm việc cũng như mức độ hài lòng của người dân.

Là 1 trong 2 đơn vị đầu tiên của TP được chọn thí điểm thực hiện đề án “áp dụng cơ chế một cửa trong cung cấp DVC ở một số đơn vị sự nghiệp công lập và DN Nhà nước”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Nguyễn Toàn Phong chia sẻ: “Đến nay, các DVC đã được triển khai đồng bộ. Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ của Trung tâm luôn đạt 70 - 80,4%; nhiều dịch vụ đã rút ngắn 3 - 5 ngày. Sau quá trình thí điểm, chúng tôi sẽ cung cấp thêm dịch vụ tư vấn hỗ trợ việc làm, học nghề cho người lao động”. Từ kinh nghiệm thí điểm, TP sẽ nhân rộng áp dụng cơ chế này tại các đơn vị sự nghiệp công lập, DN Nhà nước thuộc TP trong lĩnh vực bảo hiểm, y tế, giáo dục đào tạo, phục vụ tang lễ…

Liên quan đến “Chỉ số đánh giá kết quả CCHC của các sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã thuộc TP giai đoạn 2016 - 2020” mà UBND TP vừa ban hành, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng phòng CCHC Sở Nội vụ nhấn mạnh: Bộ chỉ số CCHC sẽ giúp việc đánh giá kết quả CCHC của các cơ quan, đơn vị trong TP một cách chính xác; đổi mới phương pháp theo dõi, thay vì chủ yếu dựa trên kết quả đầu ra. Ngoài việc đánh giá về tác động của cơ quan Nhà nước tới tổ chức, cá nhân được phục vụ, bộ chỉ số cũng coi ý kiến người dân phản hồi là một dữ liệu đầu vào quan trọng, để các cơ quan hành chính tiếp tục hoàn thiện mình để phục vụ tốt hơn.
Liên quan đến Quyết định thay thế Quyết định 84 mà TP đang xây dựng sắp ban hành, một số độc giả đặt câu hỏi: Vách ngăn kính giữa cán bộ tiếp nhận hồ sơ và người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa có tiếp tục được bố trí nữa hay không? Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn khẳng định: Theo cá nhân tôi, việc giao tiếp giữa công dân, đại diện DN với đại diện cơ quan hành chính Nhà nước phải thực sự bình đẳng, công khai, minh bạch, nhưng bố trí trang thiết bị như thế nào cho trang trọng, hợp lý là tùy theo điều kiện, diện tích, kinh phí của đơn vị. Đến thời điểm này, TP không quy định cụ thể về “vách ngăn kính” với từng cơ quan, đơn vị.