Nhiều con ngõ đã gắn với lịch sử Hà Nội, với cuộc sống của nhiều mảnh đời. Thì trước khi trở thành một Hà Nội hiện đại như bây giờ, TP của chúng ta vốn là một cái làng lớn. Và như bao làng mạc khác trên đất nước này, không thể thiếu đời sống của những con ngõ.
Một người rành về Hà Nội như nhà văn Băng Sơn cho rằng, Hà Nội có khoảng trên 500 con phố, còn ngõ thì có chừng hơn 100. Còn nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến từng thống kê: phố Bạch Mai có 25 ngõ, phố Khâm Thiên có 32 ngõ, phố Nam Đồng (giờ là phố Nguyễn Lương Bằng) có 14 ngõ… Nếu tính tổng số ngõ có tên xuất xứ từ ngõ làng thì 3 quận gồm Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình có khoảng 150 ngõ.
Với tôi, tôi nghĩ khác. Giờ Hà Nội thay da đổi thịt từng ngày, cứ thế nhiều ngõ giờ thành đường, nhưng không thiếu những ngõ mới xuất hiện. Và nhiều đến nỗi không phải ngõ nào người ta cũng kịp đặt tên.
Riêng con phố Ngọc Lâm của quận Long Biên đã có vài chục ngõ đặt tên theo số. Lại có ngõ trở thành cả một phường như Văn Chương chẳng hạn. Nếu thống kê ra, số dân sống trong các ngõ của Hà Nội đâu có thua số dân sống ngoài phố là mấy. Và cuộc đời, chuyện phố, chuyện phường cũng không thể thiếu chuyện ngõ.
Dù “phố Phái” trong tranh hay “Hà Nội phố” trong nhạc đã nổi tiếng được nhiều người biết đến như một nét riêng của Hà Nội, thì thi ca, nhạc họa cũng không thiếu những con ngõ của Hà thành.
Ngõ Hà Nội không nổi trội lên một cách rực rỡ, mà cứ đằm thắm, sâu nặng trong cuộc sống thường nhật, bề bộn lo toan. Ví như khu Cầu Giấy với hàng loạt con phố mới thì số sinh viên của hàng loạt trường đại học thuê nhà trong ngõ để ở chưa chắc đã ít hơn số dân cư vốn gốc Hà thành. Khu vực này, mấy chục năm trước còn là những ruộng rau, ruộng lúa của những HTX nông nghiệp.
Tiếng là đất Từ Liêm của Hà Nội khi ấy, nhưng cuộc sống của bà con ở đây nào có khác những miền quê dọc theo châu thổ sông Hồng. Cũng giếng nước, gốc đa, đường làng lát gạch nghiêng, quanh co uốn lượn. Rồi Tây Hồ, Hoàng Mai, Long Biên… cũng vậy.
Nhưng có thể thấy, khi sinh viên hay người ngoại tỉnh về sống ở những khu vực này cảm thấy rất dễ chịu. Cuộc sống ở đất Hà Nội thật đấy nhưng không quá bỡ ngỡ như ở trên phố, chợ búa sinh hoạt cũng hợp với túi tiền mà nếp sống còn phảng phất hơi hướng làng xã như những vùng quê mình đã sinh ra. Vậy là những xóm trọ ra đời, và ngày càng xuất hiện nhiều, tối về râm ran câu chuyện mưu sinh hay to nhỏ bàn luận về những điều lạ lẫm ở TP.
Sống ở ngõ với ở phố nhiều khi chỉ cách nhau vài chục mét, nhưng khác biệt nhiều lắm. Hà Nội ngõ trong con mắt những người ở các địa phương về Thủ đô là thế.
Còn ngõ Hà Nội trong con mắt của người Hà Nội thì sao? Trước thời điểm những năm đổi mới (khoảng những năm 1980 trở về trước), ngõ Hà Nội yên bình lắm. Lúc đó ngoài phố cũng đâu có ồn ã, tấp nập như bây giờ. Ấn tượng lớn nhất của tôi về các con ngõ là những cuộc sống vất vả mưu sinh nhưng ấm áp tình cảm làng xóm.
Ngõ làng Vạn Phúc, ngõ Ngọc Hà, ngõ Văn Chương, Thổ Quan, ngõ Quỳnh… đa phần đều là những người dân lao động, trong đó có không ít những đại gia đình của nhiều thế hệ. Thế là có những đoạn ngõ toàn là người trong nhà. Nhưng dù là người trong nhà hay người trong xóm, dù cảnh đời còn nhiều lo toan thường nhật, nhưng bao trùm tất cả là sự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau theo kiểu “tắt lửa, tối đèn”.
Bạn tôi trước kia sống trong làng Ngọc Hà, buổi trưa đi học về toàn sang nhà hàng xóm ăn cơm bởi cơ quan bố mẹ nó tận bên kia cầu Long Biên, không thể về được với một hai giờ nghỉ ít ỏi cho quãng đường hơn chục cây số. Tụi bạn như chúng tôi có những buổi được nghỉ học, về sớm cũng kéo luôn sang nhà hàng xóm của nó ăn cơm. Tới tận giờ, tụi tôi đứa nào cũng nhớ những tháng ngày ấm áp tình người đó.
Ngõ Hà Nội trước đây chiều về đông vui lắm. Chỗ này mải mê mấy trò con trẻ. Chỗ kia, ra dáng người lớn hơn, thì thầm bình phẩm về con trai, con gái trong ngõ. Mấy ông lão, bà lão bỏm bẻm nhai trầu, uống nước, nhìn bọn trẻ trong ngõ mỗi ngày một lớn mà mắt ánh lên sự tự hào dù nụ cười vẫn còn đó những nếp nhăn cơ cực. Thi thoảng tiếng điếu cày lại rít lên sòng sọc trong màn khói chuẩn bị cho bữa cơm chiều bốc lên từ mái lá nhà ai.
Rồi tối đến, cả ngõ lại ùa vào mấy nhà có tivi, những gia đình được coi là “địa chủ” trong ngõ, ngồi kín sân, chật cả đường đi như những rạp chiếu phim di động.
Về khuya, mấy cụ ông vốn khó ngủ, tay lăm lăm cây gậy hay chiếc đòn gánh thả bộ dọc theo con ngõ nhắc nhở lũ trẻ giải tán về nhà và đi tuần không công cho dân trong xóm để bảo vệ trật tự trị an. Đâu đó vang lên tiếng kẻng an ninh hay những người bán hàng đêm cất tiếng rao. Ngõ Hà Nội thời ấy thật thanh bình, êm ả.
Bây giờ, trong nhịp đô thị hóa, những con ngõ của Hà Nội cũng phải chuyển mình và chuyện ngõ cũng có nhiều thay đổi. Ngoài những nhà trong ngõ đổi đời, bỗng dưng trở thành “nhà mặt tiền” của nhiều con phố có giá hay tự nhiên trong tay có tiền tỷ từ chuyện đền bù đất cát.
Khi đời sống kinh tế bắt đầu dư dả, có của ăn, của để là họ tích lũy để nhao ra khỏi ngõ. Người trong ngõ chưa có điều kiện ra phố được cũng rùng rùng tính chuyện làm ăn. Thế là cùng với những con đường trong ngõ được thảm nhựa hay trải bê tông cho khang trang, sạch sẽ, cuộc sống trong ngõ cũng trở nên chật chội và chộn rộn hơn.
Mặt ngõ bản thân nó không rộng như phố, nay lại càng hẹp lại. Theo thời gian số hàng quán trong ngõ ngày càng tăng để phục vụ không chỉ cư dân trong ngõ. Nét tĩnh lặng, trầm tư cùng vẻ đẹp cổ kính của nhiều con ngõ mang tính chất làng xóm một thời mai một dần. Đổi lại, nhìn bộ mặt cư dân mới, đủ thấy cuộc sống ở trong ngõ đã khấm khá lên. Nhưng đi nhiều, tôi cảm nhận, giờ đây lòng người và cái tình của những con người sống trong ngõ đối với nhau dường như… hẹp lại.
Nói chơi chơi vậy thôi, chuyện ngõ là một phần không thể thiếu của Hà Nội. Thì người ta bảo, cuộc sống giờ khác trước, những con ngõ không thể không hòa chung vào nhịp của phố phường.
Còn thầy tôi, một người từng sống trong một con ngõ ở khu tập thể Bách khoa thì nói thế này: “Một cuộc sống vừa rất thực, vừa rất ảo, lung linh mà lầm lũi, quẩn quanh mà sáng rộng, vất vả mà thơ mộng, trầm lắng nhưng đầy biến động”. Đó là những biến đổi về đời sống trong ngõ của
Hà Nội hôm nay.