Trước khi đánh bạn với rượu, người trong làng ngoài xã đều biết đến ông Đăng là người siêng năng cần cù. Căn nhà gỗ xoan 5 gian của ông thuộc hạng sạch sẽ, tinh tươm nhất làng. Sân trên, vườn dưới cây ăn quả mùa nào thức ấy, chuồng lợn chuồng bò đều xây hầm biogas, nên dù chăn nuôi nhiều nhưng tuyệt nhiên không khí trong nhà, ngoài vườn luôn trong trẻo.
Nhưng do trong cuộc sống có nhiều điều không vừa ý khiến ông Đăng sinh buồn và lấy rượu làm bạn. Mọi chuyện bắt nguồn từ việc học tập, trưởng thành của 3 đứa con.
Ở lứa tuổi của ông Đăng, các gia đình trong làng đều đông con; nhưng ý thức rất rõ học mới là con đường dẫn đến ấm no. Vì vậy vợ chồng ông chỉ sinh 3 con - 2 trai, 1 gái, để có điều kiện cho chúng ăn học.
Khổ một nỗi, dù gia đình có điều kiện hơn so với đám trẻ trong làng, nhưng những đứa con ông Đăng học hành xôi đỗ lắm. Trầy trật mãi mà cuối cùng cậu cả cũng chỉ tốt nghiệp tấm bằng đại học của một trường dân lập ít danh tiếng.
Cậu thứ 2 thì xong phổ thông đã theo học nghề. Còn cô con gái út chỉ đỗ được vào trung cấp sư phạm. Trong những năm đói kém, việc phải nuôi 3 đứa con học hành xa nhà đã bào mòn kinh tế gia đình ông Đăng một cách từ từ.
Nhưng là người coi trọng chữ nghĩa, ông không lấy việc kinh tế gia đình đi xuống làm buồn. Người ta vẫn thấy ông Đăng sớm hôm gánh vác chuyện làm ăn, nuôi 3 đứa con học hành…
Nỗi buồn bắt đầu len lỏi vào cuộc sống gia đình khi Quang (con trai cả của ông Đăng) dù ra trường mấy năm nhưng vẫn không xin được việc. Đã mấy bận Quang xin bố theo đám bạn trong làng vào Nam nhưng ông Đăng cho rằng, đã mất nhiều tiền cho con đi học, giờ chỉ vào Nam làm công nhân, hóa ra công sức mấy năm trời ném sông, ném biển.
Sau mấy năm nằm nhà chờ việc, dù không được gia đình đồng ý, Quang vẫn rứt áo trốn nhà ra đi. Tết đầu tiên Quang không về, ông Đăng buồn lắm. Rồi tết thứ 2, thứ 3, thứ 4, cậu con trai mới về thăm nhà.
Dù rất giận nhưng sau 4 năm mới được gặp lại con, khỏi phải nói ông Đăng vui như thế nào. Vui hơn nữa là vào rằm tháng Giêng năm ấy, cậu cả xin phép bố mẹ ra mắt bạn gái.
Một đám cưới to nhất nhì làng diễn ra sau đó vài tuần, rồi ông Đăng lên chức ông nội. Vài năm sau, lần lượt cậu thứ 2 và cô út cũng xây dựng gia đình. Từ chỗ chỉ có 2 vợ chồng, giờ gia đình ông Đăng có tới 3 cặp già trẻ; mà trong cuộc sống con người, làm sao tránh khỏi va chạm.
Những mâu thuẫn nhỏ nhặt tích tụ lâu ngày trở thành cái mầm của sự mất đoàn kết.
Thông thường trong mâu thuẫn trong cuộc sống chỉ phát sinh giữa con dâu và mẹ chồng; nhưng gia đình ông Đăng lại khác. Chính ông là người khơi nguồn cho những xung đột. Đầu tiên là với con trai, sau đấy là đến con dâu, cuối cùng là bà vợ già.
Do làm ăn đì đẹt, nên sau 4 năm lấy vợ, 2 đứa con trai ông Đăng vẫn chưa có tiền để mua đất, xây nhà ở riêng. Hai nàng dâu của ông lại thuộc dạng ăn ở luộm thuộm nên trước nhà cửa sạch sẽ bao nhiêu, nay ngược lại.
Ở tuổi 70, lẽ ra phải được an nhàn, nhưng ông Đăng vẫn phải trông cháu và lọ mọ dọn dẹp nhà cửa. Điệp khúc này lặp đi lặp lại nên ông Đăng đâm bực mình và mượn rượu để lấy cớ chửi. Ban đầu còn bóng gió, về sau ông chửi trực diện từng đứa, cả con trai lẫn con dâu. Bà vợ thấy chối tai, nhiều lúc đứng ra bênh con nên càng làm cho ông cay cú.
Thế là mỗi ngày 2 bữa, rượu xong là ông chửi. Ông chửi tuốt tuột, từ bà vợ già, con trai, con dâu… Ban ngày chưa chán, đêm xuống rượu vào ông lại chửi, khiến hàng xóm cũng phải đau đầu.
Sau vài năm chửi rủa, ông lão gàn dở và nát rượu đuổi hết vợ con ra khỏi nhà. Anh con cả phải dựng lều ra đồng, anh thứ 2 phải đi ở rể, còn bà vợ cũng bị ông “trả về nơi sản xuất” dù bố mẹ vợ ông chết từ đời tám hoánh nào rồi.
Khổ nhất là bà vợ ông Đăng, dù đã gần 70 tuổi nhưng vẫn phải ăn nhờ ở đậu, nay ra lều với con trai, mai lại dạt về nhờ em gái, có nhà mà không dám về bởi chỉ cần nhìn thấy bóng bà là ông chồng chửi, thậm chí đuổi đánh.
Đến nay người làng vẫn chưa thấy bà Mẫn hồi gia dù bà đau ốm liên miên… Ngày 2 bữa người làng vẫn thấy ông Đăng “bước một bước như lùi một bước”, từ mấy quán bán rượu trở về nhà. Sau đấy là những màn chửi bới bâng quơ...