Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện phát ấn Đền Trần: Cấm hay không cấm?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gần đây, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin "sẽ cấm hẳn việc phát ấn Đền Trần", "Không tiếp tục phát ấn Đền Trần tại Nam Định"…

KTĐT - Gần đây, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin "sẽ cấm hẳn việc phát ấn Đền Trần", "Không tiếp tục phát ấn Đền Trần tại Nam Định"…

Tưởng như, những lỗ hổng trong công tác quản lý lễ hội nơi đây đã ngã ngũ. Tuy nhiên, ngừng phát ấn Đền Trần vào đêm 14 và rạng sáng ngày 15 tháng Giêng hàng năm, tổ chức lễ hội theo nghi thức truyền thống, chỉ là khởi điểm cho những câu chuyện "nóng" của các nhà quản lý văn hóa, mong muốn tìm ra mô hình quản lý thích hợp.


Hàng năm, lễ hội Đền Trần luôn thể hiện nhiều lỗ hổng trong khâu quản lý. Hiện tượng ùn tắc giao thông xung quanh khu vực Đền Trần, cảnh chen lấn xô đẩy trong đêm phát ấn, tiền công đức rải la liệt, điểm phát ấn được quây lại không khác gì "chuồng cọp"… là những hình ảnh phản cảm đang tồn tại. Nếu như ban đầu, Đền Trần chỉ có 3 điểm phát ấn, thì lễ hội năm 2010 đã có tới 75 điểm phát ấn, nhưng vẫn không đủ nhu cầu xin ấn của người dân. Nhiều điểm phát ấn giả đã mọc lên. Trong khi đó, các nhà khoa học khẳng định không có cơ sở khoa học, lịch sử nào về việc phát ấn. Việc các đơn vị hành chính thời phong kiến phong ấn trước Tết và khai ấn sau Tết, chỉ để đánh dấu thời điểm nghỉ Tết và ngày bắt đầu hoạt động trở lại.


Vừa qua, ông Tô Văn Động, Chánh Văn phòng kiêm phát ngôn viên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra thông báo: "Nhất trí tiếp tục thực hiện lễ Khai ấn Đền Trần theo nghi lễ truyền thống và không tổ chức phát ấn vào đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Về việc có phát ấn Đền Trần sau thời điểm nêu trên hay không, đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định, UBND TP Nam Định phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các cơ quan liên quan về việc phát ấn Đền Trần trình UBND TP Nam Định và Bộ VHTTDL xem xét, quyết định".


Theo thông tin từ Viện VHNT Việt Nam, cuối tuần này Viện trưởng Nguyễn Chí Bền sẽ làm việc với Sở VHTTDL Nam Định, UBND TP Nam Định để lấy ý kiến của nhân dân cư trú xung quanh khu vực Đền Trần (phường Lộc Vượng), của các nhà khoa học. Đóng góp ý kiến xung quanh việc tiếp tục phát ấn hay không phát ấn Đền Trần, GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: "Các lễ hội sẽ có biến đổi, nhưng phải dựa trên cái gốc lịch sử vững chắc, nếu không sẽ thành ra xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc lễ hội, làm mất đi giá trị văn hoá Việt Nam và cổ vũ cho những mê tín, dị đoan. Việc người dân chen lấn, xô đẩy dẫn đến bị thương để giành giật ấn là biểu hiện thấp về văn hoá". Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Trần Lâm Biền lại có quan điểm khác: "Cái gì không quản lý được, không hợp lý thì cấm là quan niệm cổ lỗ sĩ. Khi việc phát ấn diễn ra vào ngày lễ hội thì đó cũng là một biểu hiện đẹp của văn hoá. Cái xấu là để cho hàng vạn người chen lấn, xô đẩy nhau. Phải đưa việc phát ấn vào trật tự chứ không nên cấm. Nên chăng, ai có nhu cầu xin ấn thì đăng ký trước, việc phát ấn cũng sẽ kéo dài cả tháng chứ không chỉ diễn ra một đêm như hiện nay. Như vậy sẽ giảm được hiện tượng chen lấn".


Hiện nay, Viện VHNT Việt Nam đang xúc tiến các bước trưng cầu dân ý, rồi nghiên cứu để đưa ra mô hình quản lý mới cho lễ hội Đền Trần, trình Bộ VHTTDL xem xét. Theo ông Nguyễn Chí Bền: Phát ấn Đền Trần là nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, không thể nói là cấm. Trách nhiệm của những nhà quản lý văn hóa là làm sao định hướng trong khuôn khổ của pháp luật, đảm bảo không có những hiện tượng đáng tiếc xảy ra trong lễ hội. Dự kiến năm 2012, mô hình quản lý mới của lễ hội Đền Trần sẽ được thực hiện.